Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS

BDT - 18:52, 08/07/2024

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, nhiều sản phẩm vùng DTTS đã được công nhận OCOP, góp phần phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm.

Chị Chau Ngọc Dịu bên sản phẩm đường thốt nốt Palmania đạt chứng nhận OCOP 4 sao
Chị Chau Ngọc Dịu bên sản phẩm đường thốt nốt Palmania đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Thời gian qua, An Giang tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh từ các sản phẩm làng nghề như dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở Văn Giáo, TX. Tịnh Biên, làng nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm ở xã Châu Phong, TX. Tân Châu, các sản phẩm từ cây thốt nốt như đường thốt nốt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bánh bò thốt nốt... Theo đó, tạo giá trị gia tăng cho từng sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Một điển hình về sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc Khmer huyện miền núi Tri Tôn là đường thốt nốt sệt Palmania của chị Chau Ngọc Dịu ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, sản phẩm OCOP đạt 4 sao và được đề xuất sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao.

Chị Chau Ngọc Dịu, Giám đốc Công ty cổ phần Palmania cho biết: “Palmania 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia, vì không sử dụng phương pháp tách mật nên khi làm thành dạng bột, sản phẩm vẫn giữ được hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và các khoáng chất có trong mật thốt nốt sệt truyền thống. Nhờ chất lượng nên sản phẩm được thị trường ngoài nước tìm đến. Hiện, sản phẩm mật thốt nốt Palmania được phân phối tại 14 tỉnh, thành phố, với hơn 50 điểm bán trên cả nước và Công ty đang xúc tiến sản phẩm tại thị trường châu Âu”.

Đến nay, Tân Châu có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm là sản phẩm riêng của đồng bào Chăm xã Châu Phong là Tung lò mò (lạp xưởng bò) và Lò mò Pđăm (khô bò) của hộ kinh doanh Anas đều đạt 3 sao.

Chị Hứa Thị Rokyah quảng bá Tung lò mò tại Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù tại Châu Đốc, An Giang
Chị Hứa Thị Rokyah quảng bá Tung lò mò tại Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù tại Châu Đốc, An Giang

Cũng như chị Chau Ngọc Dịu, cô gái Chăm Hứa Thị Rokyah (con gái út của ông Hứa Hoàng Vũ, Chủ cơ sở Tung lò mò Anas), sau khi tốt nghiệp đại học, có cuộc sống ổn định ở TP. Hồ Chí Minh nhưng cũng lựa chọn trở về quê khởi nghiệp với nghề truyền thống của gia đình. Mỗi lần có khách đến làng Chăm, Rokyah sẽ đồng hành suốt chương trình, vừa hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức Tung lò mò, vừa giới thiệu về lịch sử hình thành món ăn gắn với tập quán sinh hoạt, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm. Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp người dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm.

Hứa Thị Rokyah bày tỏ: “Tôi rất tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng này, tuy nhiên vừa khởi phát không bao lâu thì phải tạm gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đến cuối năm 2022, tôi bắt đầu khởi động lại, cũng đã có nhiều đoàn khách đến tham quan trải nghiệm tại cơ sở Anas. Du khách rất hứng thú và rất tập trung nghe mình nói về văn hóa truyền thống dân tộc Chăm cũng như câu chuyện về sản phẩm, mọi người cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan về sản phẩm, về văn hóa truyền thống, vì càng trao đổi lại muốn được nghe giới thiệu nhiều hơn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin: An Giang có nhiều sản phẩm đặc sản gắn với các ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững. Tỉnh ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù, xây dựng một số mô hình “xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương”, “thí điểm sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.