Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chợ phiên ngày cuối năm

Vũ Lợi - 15:18, 03/01/2020

Cách TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên), khoảng 150km, chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa họp vào ngày con gà và con mèo (ngày Dậu và ngày Mão). Chợ họp ở trung tâm huyện, để thuận tiện cho bà con các xã trong vùng giao lưu gặp gỡ, trao đổi mua bán hàng hóa.

Gian hàng bày bán hàng thổ cẩm dân tộc luôn tấp nập người mua
Gian hàng bày bán hàng thổ cẩm dân tộc luôn tấp nập người mua

Phiên chợ ngày cuối năm ở vùng cao đông như hội. Váy áo của chị em các dân tộc nhuộm sặc sỡ cả một góc trời. Những phụ nữ dân tộc: Mông, Dao… luôn chọn cho mình những bộ đồ sặc sỡ, đeo trang sức nhiều tầng bước đi kêu “xẻng xẻng” hòa với tiếng vó ngựa nghe rất vui tai.

Hàng hóa bày bán tại chợ rất phong phú và đa dạng, từ trang phục thổ cẩm đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình. Hầu hết các sản vật đều do người dân trong vùng tự trồng, nuôi, mang đi chợ bán như: Lợn cắp nách, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, rau củ, đỗ tương... Đặc biệt, trong những phiên chợ không thể thiếu những đặc sản của bà con người Mông ở huyện Tủa Chùa, là gà đen thả đồi và rượu Mông Pê được nấu từ ngô nếp non.

Làm nên sự hấp dẫn và sắc màu độc đáo của chợ phiên thì không thể bỏ qua những gian bày bán hàng thổ cẩm dân tộc. Những mặt hàng do tiểu thương và bà con tự may vá, thêu thủ công tỉ mỉ đem xuống chợ rất đa dạng, như: vải, khăn, áo, váy, túi đeo chéo, giày vải… Mỗi nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục thể hiện sự tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng mỗi dân tộc.

Ðiều ấn tượng nhất tại những buổi chợ phiên vùng cao có lẽ là cách đi chợ của bà con nơi đây. Đôi khi bà con xuống chợ cốt để gặp bạn cho vui, không vội mua, không vội bán, chân tình mời nhau bát phở, que kem, vui vẻ ngồi với nhau bên nồi thắng cố, uống rượu mềm môi. Họ kiệm lời chào hàng, ai thích mua thì tự tìm đến, giữa người mua - kẻ bán không ai nói nặng lời.

Sau một ngày tràn ngập tiếng nói cười, lúc mặt trời xế bóng là lúc họ cưỡi ngựa, lên xe nổ máy đưa nhau về bản trong tâm trạng phấn khởi, lâng lâng. Sau xe máy, người đàn ông đèo vợ trên vai lúc lắc chiếc lu cở, bên trong bỏ chút muối, chai dầu thắp sáng đêm đông, vài tấm vải hoa, chỉ màu, gương, lược... và không thiếu vài nắm bỏng ngô trộn đường mang về làm quà cho con trẻ. Họ không quên hẹn nhau phiên chợ Xuân mới sẽ lại xuống, trao đổi mua bán thực phẩm, đồ dùng rồi gặp gỡ, giao lưu trong mối quan hệ cộng đồng thân thiện.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.