Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chương trình MTQG 1719 tác động tích cực đến vùng DTTS và miền núi xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 18:13, 01/10/2024

Trong những chuyến đi thực tế tới các huyện miền núi Thanh Hóa, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới hiển hiện ở từng bản làng.Chứng kiến sự đổi thay về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân đã cho thấy, những tác động tích cực từ việc triển khai các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719)

Từ nguồn vốn Chương MTQG 1719, hạ tầng vùng DTTS và miền núi xứ Thanh được đầu tư ngày càng hoàn thiện
Từ nguồn vốn Chương MTQG 1719, hạ tầng vùng DTTS và miền núi xứ Thanh được đầu tư ngày càng hoàn thiện

Thực hiện Chương trình MTQG1719, tỉnh Thanh Hóa được ngân sách Trung ương phân bổ cho giai đoạn 2021-2024 là 1.964.112 triệu đồng. Tính đến hiện tại, Thanh Hóa đã giải ngân chi tiết cho các tiểu dự án, với số tiền 1.963.922 triệu đồng, đạt 99,99% kế hoạch. Nguồn lực này đã giúp các địa phương đầu tư vào các công trình hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các hoạt động sản xuất, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo của các vùng đồng bào DTTS.

Tại huyện Như Thanh, hiện đang thực hiện 9/10 dự án theo của Chương trình MTQG 1719 , với tổng kinh phí được Trung ương hỗ trợ trên 60 tỷ 309 triệu đồng. Theo đó, trong 3 năm từ năm 2021-2023 trên địa bàn huyện đã thực hiện 42 công trình với tổng kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ là 37 tỷ 363 triệu đồng, trong đó có 11 công trình đường giao thông, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, 21 nhà văn hóa thôn; 5 trường học, 2 công trình tràn giao thông; 1 công trình đường điện chiếu sáng. Các công trình cơ bản đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương.

Hiện nay, huyện Như Thanh cũng đang triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, năm 2023, trên địa bàn thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, với tổng kinh phí 2 tỷ 313 triệu đồng cho 181 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Dự án đã phát huy hiệu quả góp phần để các hộ có thêm nguồn thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước đã phát huy được nội lực, tinh thần vượt khó để vươn lên thoát nghèo của người dân vùng khó ở xứ Thanh
Nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước đã phát huy được nội lực, tinh thần vượt khó để vươn lên thoát nghèo của người dân vùng khó ở xứ Thanh

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết, triển khai Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Theo bà Hoa, huyện Như Thanh đã đạt được những kết quả ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 11,8% vào năm 2021 xuống còn 3,7% vào năm 2023.

 Đặc biệt, trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,08% vào năm 2021 xuống còn 4,17% vào năm 2023. Đây là một trong những thành tựu quan trọng, minh chứng cho hiệu quả của các dự án, tiểu dự án từ Chương trình MTQG 1719. Huyện Như Thanh phấn đấu năm 2024 về đích huyện Nông thôn mới.

Tại huyện Quan Sơn, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng đã mang lại những kết quả rõ rệt. Nổi bật trong số đó, huyện đã hoàn thành khu tái định cư Co Hương tại bản Ngàm, xã Tam Thanh để di dời khẩn cấp 36 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Huyện cũng đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng thêm nhiều khu tái định cư nhằm bảo vệ người dân sống trong vùng có nguy cơ cao trước thiên tai.

Ngoài ra, huyện Quan Sơn đã ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo. Nhiều công trình trường học xuống cấp đã được sửa chữa và trang bị thêm thiết bị dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, khẳng định: với quyết tâm cao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, huyện Quan Sơn đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống còn 29,6% (tương đương 2.745 hộ), và thu nhập bình quân của người dân đạt 29,6 triệu đồng/người/năm.

Từ nguồn kinh phí của Chương trình MTQG 1719, các địa phương tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở vùng DTTS và miền núi
Từ nguồn kinh phí của Chương trình MTQG 1719, các địa phương tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở vùng DTTS và miền núi

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đến nay Chương trình MTQG 1719 trên toàn tỉnh đã hoàn thành 18 công trình nước sinh hoạt tập trung, 256 công trình trạm y tế xã, đường bê tông, các công trình mạng lưới chợ; 16 công trình trường học; 66 công trình thiết chế văn hóa; 02 trung tâm y tế huyện… 

Tổ chức 594 hội nghị và lớp tập huấn đào tạo nghề; 224 hội nghị truyền thông, hướng nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; mở 339 lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho các đối tượng là người DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng DTTS và miền núi; tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình; 22 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; tổ chức 241 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới; 196 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,… Hỗ trợ khoán bảo vệ, quản lý bảo vệ hơn 200 nghìn ha rừng. 

Các nội dung còn lại đang triển khai như: Sắp xếp ổn định dân cư tập trung trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; hỗ trợ di dời cho các hộ dân trên địa bàn huyện Quan Sơn; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị,…

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Chương trình MTQG 1719, chính là giúp người dân giảm nghèo bền vững. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm còn 14,75% vào năm 2023, đạt mục tiêu giảm bình quân hơn 3% mỗi năm. Điều này cho thấy các chính sách, dự án của Chương trình đã tác động hiệu quả đến cuộc sống của người dân, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.