Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Chuyển đổi phương thức sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững

Hà Anh - 14:55, 31/10/2023

Thay đổi giống lúa mới, chuyển đổi phương thức canh tác hiệu quả hơn, lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng… là cách để bà con dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) thoát nghèo bền vững.

Cây lúa nước ở xã Krông Pa giúp bà con dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định
Cây lúa nước ở xã Krông Pa giúp bà con dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định

Sơn Hòa là huyện miền núi của Phú Yên với 34% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na, Tày, Gia Rai... Bà con ở địa phương chủ yếu sống dựa vào nghề nông, trồng mía và chăn nuôi bò. Cây ăn trái ở địa phương chỉ được trồng rải rác, theo phương thức canh tác lạc hậu nên chưa đem đến hiệu quả kinh tế cao. Nỗ lực chuyển đổi mô hình trồng trọt của huyện Sơn Hòa đã giúp đa dạng cây trồng, gắn liền vùng trồng với nhà máy chế biến, đem đến thu nhập cao cho người dân.

Người dân Krông Pa ở Sơn Hòa chủ yếu sống bằng nông nghiệp với 3.330ha diện tích đất sản xuất. Trước đây, người dân chỉ trồng 1 vụ lụa, vụ còn lại đất nông nghiệp bỏ hoang, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 15 tạ/ha. Sau khi chuyển đổi sang trồng lúa nước, năng suất bình quân đạt hơn 65 tạ/ha.

Chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống tận thôn “cầm tay chỉ việc” để giúp bà con biết cách sản xuất cây lúa nước sao cho hiệu quả. Mọi khâu chăm sóc từ làm đất, ngâm ủ, xử lý giống, gieo sạ, thu hoạch, bảo quản của bà con đều được theo dõi sát sao. Nhờ sự hỗ trợ và chỉ dẫn tận tình của cán bộ địa phương, các phương thức canh tác lạc hậu trước kia đều đã được xóa bỏ thay vào đó là cách sản xuất mới bằng gieo sạ lúa nước 2 vụ năng suất cao.

Chính quyền huyện Sơn Hòa cũng đã hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả chất lượng cao. Như gia đình ông Phạm Văn Ninh (xã Krông Pa) hơn 20 năm thu nhập của cả gia đình chỉ biết trông chờ vào cây sắn, cây mía tuy nhiên kinh tế gia đình vẫn rất bấp bênh. Sau khi được chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi các cây chủ lực sang cây ăn trái, ông Ninh đã mạnh dạn đổi một phần diện tích canh tác của gia đình. 

Ông Phạm Văn Ninh đang chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: Phạm Thùy
Ông Phạm Văn Ninh đang chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: Phạm Thùy

Được địa phương hỗ trợ gần 1.000 gốc mít Thái, gia đình ông đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt, sau 2 năm chăm bón tận tụy, các gốc mít đã cho thu hoạch. Ngoài mít, gia đình ông đầu tư thêm các loại cây ăn quả khác như dưa hấu, mía, sắn… Đến nay gia đình ông đã có thêm 13ha đất nông nghiệp đem về nguồn thu nhập ổn định hằng năm.

Không chỉ giúp người dân chuyển đổi mô hình cây trồng, huyện Sơn Hòa còn liên kết với các nhà máy để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Sơn Hòa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Phú Yên với hơn 13.000ha. Chính quyền địa phương cũng xác định mía là cây trồng chủ lực, giúp bà con dân tộc thiểu số ở đây xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Gia đình ông Ralan Thu (xã Sơn Phước) đã trồng mía hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, đến khi canh tác mía theo phương thức mới cùng với có sự bao tiêu sản phẩm của nhà máy đường, 5ha mía của gia đình ông Thu đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

Gia đình anh Y Kiên (xã Sơn Hội) cho biết khi chuyển sang trồng mía, gia đình anh thu hơn 120 tấn mía trên 1,9ha canh tác. Được nhà máy mía thu mua sản phẩm ổn định, mỗi vụ gia đình anh thu lãi khoảng 70triệu đồng. Cây mía đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở miền núi Sơn Hội có thu nhập ổn định.

Đến nay, toàn huyện Sơn Hòa có 230ha cây ăn quả trong đó nhiều diện tích được đầu tư kỹ lưỡng từ cây giống cho tới hệ thống tưới tiêu. Địa phương đã cử cán bộ tới từng hộ dân để hỗ trợ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch… Các mô hình mẫu hiệu quả tại địa phương cũng được nhiều bà con tìm đến để học hỏi và nhân rộng mô hình.

Người dân lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt ở vùng nguyên liệu mía xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa để tăng năng suất .
Người dân lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt ở vùng nguyên liệu mía xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa để tăng năng suất .

Không chỉ giúp người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, huyện Sơn Hòa còn chú trọng đến việc mở các lớp tập huấn để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số nâng cao năng suất trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Đơn cử, xã Cà Lúi là xã vùng cao khó khăn của huyện Sơn Hòa, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu sống dựa vào cây mía, cây sắn và chăn nuôi gia súc. Nhiều gia đình thường thiếu lương thực lúc giáp hạt, nay nhờ được chính quyền địa phương chuyển đổi giống lúa, giống mía cũng như cách chăm sóc, bón phân cho cây trồng, vật nuôi nên đời sống bà con ngày một đổi thay. 

Ở buôn Ma Thìn, bà con đã trồng hơn 15ha mía, 26ha sắn và 360 con bò để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân chuyển sang nuôi bò lai áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả. Chính quyền xã cũng mở các lớp học giúp người dân có thêm kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh. Nhờ áp dụng tốt các kiến thức, chất lượng đàn vật nuôi tại xã được nâng lên từng ngày.