Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện học ở vùng cao Bình Định

Lê Phương - 11:11, 28/04/2022

Chuyện học ở các địa phương miền núi, vùng cao của tỉnh Bình Định ngày nay đã có nhiều thay đổi tích cực. Song, các điều kiện để phục vụ cho việc dạy và học ở miền núi so với miền xuôi, vẫn còn khoảng cách khá lớn...

Để đến được các điểm trường, các thầy cô ở miền núi phải khiêng xe qua suối
Để đến được các điểm trường, các thầy cô ở miền núi phải khiêng xe qua suối

Nhiều điểm trường biệt lập

Nằm biệt lập giữa núi non, cuộc sống của người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh còn nhiều khó khăn, việc học hành cũng không dễ dàng. Muốn đến làng Canh Tiến, phải mất cả tiếng đồng hồ đi thuyền qua hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, TX. An Nhơn), hoặc vượt núi từ xã Canh Hiệp.

Làng Canh Tiến có 2 điểm trường, gồm điểm trường mẫu giáo với 40 trẻ và điểm trường tiểu học có 51 học sinh. Hành trình đem con chữ đến với các em khá vất vả. Sáng thứ Hai, các cô giáo trở lại trường, người từ An Nhơn, người từ Tuy Phước, Tây Sơn, mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn. Số thực phẩm này phải đủ dùng cho cả tuần, phải dễ bảo quản, bởi không có tủ lạnh.

Cô giáo Võ Thị Kiều Trinh (quê ở Tây Sơn), chia sẻ: Tôi bắt đầu dạy ở đây từ năm 2018, lúc đó không như bây giờ, thiếu thốn đủ điều, không điện, không nước, không chợ và sóng điện thoại cũng chập chờn. Vì thương con dạy nơi vất vả, cứ đầu tuần ba mẹ tôi lại dúi bao nhiêu là đồ ăn để mang vô làng. Khoảng 1 tuần thì tôi thích nghi dần cuộc sống nơi đây, có lẽ phần vì đã yêu mến học sinh, phần nhận ra sự gửi gắm của phụ huynh.

Học sinh miền núi Bình Định trèo đèo, lội suối để đến trường
Học sinh miền núi Bình Định trèo đèo, lội suối để đến trường

Gieo chữ ở làng Canh Tiến, nhiều cô giáo đùa với nhau rằng, mình đang sống ở “ốc đảo” với bao trìu mến. Cô Lê Thị Na Uy (quê ở Tuy Phước) chia sẻ: Học sinh ở đây hồn nhiên, trong sáng lắm. Thấy cô giáo mặc đồ đẹp là hỏi cô mặc đồ Tết hả cô. Hồi chúng tôi mới đến, học trò rủ cô đi hái nấm mà cô thì không rành đường, những chỗ đường lầy trò đều xuống đẩy xe cho cô giáo đi. Tình cảm thầy trò cứ thế đầy lên, nên dẫu cực chúng tôi cũng thấy ấm lòng.

Điểm trường mầm non - tiểu học của Canh Giao, xã Canh Hiệp, được xem là một trong hai điểm trường khó khăn nhất của huyện Vân Canh nói riêng, và của tỉnh Bình Định nói chung. Bởi đây là ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng u tịch. Từ thị trấn Vân Canh, phải đi ngược đến xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sau đó đi theo đường mòn mới có đường vào Canh Giao.

Thầy Trần Ngọc Huy cho biết: Giờ vậy là khỏe rồi, chưa bằng một phần nhỏ của những năm trước. Nhưng ngay cả lúc thuận lợi như hôm nay, giáo viên trong này 2 tuần mới về nhà một lần. Vào mùa mưa thì cả tháng không ra được khỏi làng, cùng ăn, cùng ở với bà con. “Dạy chữ nơi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn yêu thương. Yêu thương không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là niềm thương mến với con người, vùng đất”, thầy Huy bộc bạch.

Còn tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, điểm trường O2 được xem là nơi xa xôi cách trở nhất. Không đường đi, không điện, nước nên việc học ở đây cũng vô cùng khó khăn.

Thầy Phạm Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này trường có 340 học sinh (HS), trong đó 98% con em dân tộc Ba Na. Trường có 1 điểm chính và 6 điểm trường lẻ ở các làng. Năm học này, O2 có 24 HS tiểu học và 8 HS THCS theo học bán trú ở điểm trường chính. Tỷ lệ HS ra lớp đạt 100%, không có HS bỏ học giữa chừng, 100% HS được lên lớp thẳng.

Với hơn chục năm thâm niên, thầy giáo Đinh Ướt, người cắm làng O2 ngay từ những ngày đầu mở trường, tâm sự: Dạy tiếng Việt cho bọn trẻ ở đây cũng như dạy ngoại ngữ vậy. Từ nhỏ các cháu chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn dạy cho các cháu môn tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khi đã thành thuộc những nét chữ, con số thì HS mới dần dần líu ríu viết ra. Nhìn các em cắm cúi đánh vần từng con chữ dưới ngọn đèn dầu mới cảm nhận được những cực nhọc của mình trên con đường đèo dốc về làng chẳng thấm vào đâu.

Gian nan đường đến trường của học sinh miền núi Bình Định
Gian nan đường đến trường của học sinh miền núi Bình Định

Khó khăn còn nhiều

Nhìn từ thực tế, có thể nói thời gian gần đây, hệ thống giáo dục ở miền núi trong tỉnh Bình Định đã đổi thay, cơ sở vật chất được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt cao.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, chất lượng giáo dục ở miền núi vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn khó khăn. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều trường chưa đạt chuẩn theo quy định; trang thiết bị dạy học còn thiếu, điều kiện tổ chức nội trú, bán trú chưa được đảm bảo…

Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Ở địa phương này, địa bàn trải rộng, một trường thường có nhiều điểm trường cách xa nhau, nên một số điểm trường của các trường tiểu học thuộc 2 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn còn mô hình lớp ghép, khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

“Những năm qua, chất lượng giáo dục vùng DTTS, nhất là vùng sâu, vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng, nhưng đạt được như kỳ vọng, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đầu tư xây dựng phòng học chức năng, phòng học bộ môn, nhà công vụ và đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên”, ông Ngọc để xuất.

Tại huyện Vân Canh, theo ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện, bậc học mầm non đến nay, còn nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức nuôi dạy bán trú. Đơn cử như trường Tiểu học Canh Thuận có 352 học sinh, nhưng có tới 6 điểm trường. Điểm trường Kà Xim tổ chức được 5 lớp học riêng, trong khi 4 điểm trường làng Kà Te, Hà Văn, Kà Bưng, Hà Lũy quá ít học sinh phải tổ chức 6 lớp ghép, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Còn tại điểm trường làng Canh Giao, Canh Tiến thì khó khăn bủa vây.

Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên cũng là một trở ngại. Đến giờ, ngành GD&ĐT huyện Vân Canh vẫn thiếu nhiều biên chế, dẫn đến thiếu hụt nhân lực giáo viên, nên đều ưu tiên bố trí giáo viên cho bậc học mầm non và các khối lớp dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới; các vị trí chuyên trách thiết bị - thư viện, y tế trường học… đều “trắng”. Nay mai các trường mầm non tiếp tục mở bán trú, thì riêng giáo viên sẽ tiếp tục khó hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục
Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10 với 3 môn

Ngày 28/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Theo đó, học sinh Hà Nội tham gia kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 sẽ thực hiện 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.