Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Chuyện về một nghệ nhân cống hiến hết mình cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Mắn On - Ng. Lê - 14:30, 10/11/2023

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Phớ, bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) được cộng đồng người Thái nhìn nhận, khen ngợi là một người con đa tài của dân tộc Thái. Ông có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nắm giữ và thể hiện nhiều bài hát dân gian của dân tộc mình. Cũng như các nghệ nhân khác, ông Phớ đã và đang trăn trở với việc cần phải cống hiến, đóng góp cho việc lưu giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ say mê với điệu pí truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ say mê với điệu pí truyền thống

Ông Phớ ở vẻ ngoài, có phần trẻ trung hơn nhiều so với độ tuổi gần “thất thập”. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo, có lẽ do ông yêu văn hóa, văn nghệ nên khiến cho ông luôn trẻ trung, yêu đời và có được một sức sống mãnh liệt đến thế. 

Ông Phớ kể, trong gia đình ông có người bác và một người chú rất thành thạo việc thổi khèn, thổi pí nên ngay từ khi 10 tuổi, những làn điệu êm ái ấy đã thu hút ông. Từ chỗ tò mò, thích thú nghe, tiếng pí dần thấm dần vào trong máu của ông, trở thành bản năng như hơi thở… 

Năm 13 tuổi, ông đã có thể đắm chìm vào các bài hát dân gian khi học thuộc tác phẩm và dần dần có thể diễn xướng được được một cách thuần thục. Cứ thế, ông Phớ lớn lên từ những làn điệu âm nhạc đắm say đó. Rồi đến tuổi hẹn hò, ông lại hòa mình cùng trai, gái bản trong những đêm trăng sáng thổi pí, hát giao duyên…

Hơn 50 năm dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi về âm nhạc truyền thống, đến nay, ông là một trong số ít người ở tỉnh Điện Biên có thể chơi được đàn tính tẩu, kéo được đàn nhị, thổi được pí, gẩy được đàn môi, hát giao duyên Hạn Khuống. 

Chưa hết, ông có thể vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn cho chương trình văn nghệ, rồi cả vào vai diễn chính cũng được ông thể hiện bằng tình yêu say mê hiếm có. Chẳng thế mà các chương trình, hội diễn văn hóa, văn nghệ ở địa phương đều có ông góp mặt.

Ông Phớ bộc bạch, dù mỗi lần đi diễn kinh phí hỗ trợ cũng chẳng đáng là bao, nhưng mỗi lần được đi diễn cùng các đoàn, là một lần tôi thấy mình như trẻ lại, có thêm cảm hứng, tình yêu với âm nhạc dân tộc. "Như cái lần đi Liên hoan Cồng chiêng ở Gia Lai, cả tập luyện, đi tham gia chương trình là hơn 20 ngày. Về đến nhà thì ruộng của bà con trong bản đã trồng cấy hết rồi, còn trơ lại mỗi ruộng nhà mình chưa làm gì thôi”, ông cười nhớ lại.

Ông Phớ phấn khởi khoe, mới đây, ông là người trực tiếp phục dựng lại diễn xướng Hạn Khuống cho bản. Hạn Khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm (sau mùa thu hoạch). Đây là khoảng thời gian thư thái nhất trong năm, khi thóc đã về bồ, thì thanh niên trai gái Thái mới lên sàn Hạn Khuống hát giao duyên. 

Hạn Khuống còn là một tác phẩm văn học, gồm các khúc giao duyên viết dưới dạng thể thơ vần sinh động, diễn tả cảnh lên Hạn Khuống về ban đêm của cô gái Thái, bắt đầu từ khi ánh lửa bập bùng đầu buổi tối cho đến gà gáy sang canh... Chính vì vậy, Hạn Khuống để lại biết bao kỷ niệm về một thời trẻ trung sôi nổi. Nhờ có sinh hoạt Hạn Khuống, nhiều đôi trai gái kết duyên vợ chồng.

Đồng bào dân tộc Thái có nhiều bài hát múa đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
Đồng bào dân tộc Thái có nhiều bài hát múa đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

 Không chỉ tham gia vào phục dựng, ông còn trực tiếp đứng lớp truyền dạy, tính sơ sơ nơi ông sinh sống cũng đã là mấy chục người theo học. Gần đây nhất là ông truyền dậy cho 12 học viên tại xã Thanh Minh, Tp. Điện Biên Phủ…

Thế nhưng, đây lại là vấn đề khiến ông trăn trở nhất. Qua theo dõi, ông thấy lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà để tiếp thu học hỏi. "Bây giờ truyền dạy khó lắm! Các nhạc cụ dân tộc như thế này ít người sử dụng. Thế nên người học phải có hứng thú, có đam mê thì mới truyền dạy được. Mà đã có tình yêu với nhạc cụ dân tộc như thế, thì họ sẽ tự tìm đến mình mà học chứ chẳng cần phải mở lớp hay mời họ đến làm gì. Trong khi học những điều này, cũng cần rất nhiều thời gian, không chỉ hướng dẫn một vài ngày, tập luyện một vài tháng mà đã có thể thổi pí hay, đánh đàn giỏi được. Như bản thân ông, học thổi pí từ năm 10 tuổi, nhưng phải đến năm 18 tuổi mới gọi là thành thục, nhuần nhuyễn…", ông Phớ trăn trở.

Nhắc tới chuyện ông vừa được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, ông Phớ lập tức vui trở lại. Ông nói, phần thưởng này chính là động lực để ông tiếp tục phấn đấu, giữ gìn lời ca, tiếng nhạc truyền thống dân tộc mình.  “Bây giờ già rồi, răng cũng rụng gần hết. Nhưng mình vẫn hát hay mà. Chỉ sợ bây giờ thiếu răng phát âm không tròn tiếng, ca từ phát âm không còn chuẩn như thời trẻ nữa thôi. Còn sức khỏe mình tốt, bà con còn yêu cầu, yêu mến thì mình còn cống hiến cho âm nhạc dân gian của đồng bào Thái…”, ông Phớ cười hóm hỉnh.

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó có nội dung Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; đã mang đến những cơ hội mới để các địa phương bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; tiếp thêm động lực để động viên, khích lệ cácnghệ nhân tiếp tục cống hiến, có những đóng góp cho cộng đồng trong việc bảo tồn,phục dựng văn hóa truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.