Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Chuyện về những giáo viên hết lòng vì học sinh ở vùng biên xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 06:46, 03/12/2023

Câu chuyện thầy, cô giáo vùng cao lặn lội băng rừng vượt núi đến từng nhà để vận động học sinh DTTS đến trường không phải là chuyện hiếm. Nhưng với hàng loạt các chương trình, dự án chính sách đầu tư nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi bao năm qua của Nhà nước, tưởng chừng như những khó khăn này đã phần nào giải quyết. Vậy mà, cứ đến mùa khai trường hoặc sau các dịp nghỉ hè...,các thầy cô giáo nhiều địa bàn miền núi vùng cao biên giới Thanh Hóa vẫn bắt đầu công việc với hành trình như vậy.

Nhọc nhằn gieo chữ

Đã nhiều lần có dịp đến thăm các điểm trường vùng cao ở Thanh Hóa, nhưng lần nào cũng vậy, những câu chuyện về những nỗi nhọc nhằn gieo chữ cho học sinh luôn khiến chúng tôi xúc động. 

Mới đây, có dịp đến thăm trường Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn, thật đáng mừng khi thấy khung cảnh ngôi trường đã khang trang, sạch đẹp hơn xưa. Nhìn các học sinh tíu tít nô đùa trong sân, thầy Lương Minh Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để có được học sinh đi học đông đủ, là cả một quá trình cố gắng của các thầy cô giáo”.

Thầy giáo Lương Minh Thắng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn chỉ vui khi lớp đông đủ học trò
Thầy giáo Lương Minh Thắng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn chỉ vui khi lớp đông đủ học trò

Theo lời thầy Thắng, mới đây thôi cuối tháng 8, để chuẩn bị đón năm học mới, nhà trường rà soát, thống kê những học sinh ở bản xa, gia đình nghèo khó để đến vận động phụ huynh học sinh cho các con ra lớp học. Thế nhưng, có gia đình nhất định không hợp tác với nhà trường và chính quyền địa phương để đưa con đến trường. Vậy là, các thầy cô giáo và thành viên trong đoàn (là cán bộ địa phương) đành phải “ngậm ngùi” chốt biên bản.

“Có 3 em định bỏ học, thì nhà trường đã vận động được 2 em. Trong đó, có một em học lớp 8, nhà gần trường, tôi đã đến nhà trực tiếp vận động, hiện nay em đang học rồi. Còn một em hôm làm việc với các thầy, cô giáo và đoàn vận động, thì em ấy đồng ý rồi nhưng sau đó vẫn chưa ra học. Thật lòng, nhìn thấy ở trong bản Bàng, có một số hộ dân khổ quá, thương lắm!”, thầy Thắng chia sẻ.

Nhìn những biên bản có nội dung “gia đình không hợp tác”, các thầy cô giáo không khỏi buồn lòng, vậy là chia tay thêm một học sinh, không biết sau giảng đường, cuộc sống em sẽ ra sao.

Theo thầy Thắng, trong 3 trường hợp mà nhà trường đi vận động, thì có 2 em vào lớp 6, còn 1 em vào lớp 8. Mặc dù có 2 học sinh mới vào đầu cấp, nhưng vì gia đình còn khó khăn, trong khi các em sống ở bản không còn trong diện đặc biệt khó khăn, nên không được hưởng chế độ bán trú, trong khi bản Bàng cách xa trường 9km, vì thế, gia đình các em cũng không tha thiết gì về việc cho con đến trường học chữ.

Nhiều khi thầy Thắng nhận được tin nhắn của học trò không khỏi xúc động. Nhiều em dù quyết định bỏ học do gia đình quá khó khăn, nhưng vẫn luôn tiếc nuối lớp học, tiếc nuối thầy cô. Thầy Thắng luôn cố nhắn nhủ các em đến lớp, nhưng có những trường hợp cũng đành lực bất tòng tâm.

Tại huyện vùng biên Mường Lát, những câu chuyện thường xuyên phải làm là vận động học sinh đến lớp đầy đủ, là chuyện thường xuyên xảy ra. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, ở huyện biên giới xa xôi, khó khăn này còn rất nhiều điểm trường lẻ mầm non và tiểu học rất khó khăn. Vì vậy, để huy động trẻ ra lớp đạt 100%, hay học sinh đầu cấp đạt yêu cầu, đang là vấn đề nan giải.

Thầy giáo Trường PTDTBT -THCS Trung Lý (Mường Lát) đi vận động học sinh đến trường
Thầy giáo Trường PTDTBT -THCS Trung Lý (Mường Lát) đi vận động học sinh đến trường

“Các thầy, cô giáo từ cấp THCS xuống bậc học mầm non đều phải tranh thủ trong thời gian nghỉ hè, thậm chí những buổi chiều muộn lặn lội đến các bản xa xôi, hẻo lánh, cách trường chính hàng chục km đường rừng để vận động phụ huynh cho trẻ và HS đến trường. Để “kéo trẻ” đến lớp học mầm non, giáo viên phải lặn lội vào các bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng… những buổi chiều muộn. Bởi, nếu vào ban ngày, cha mẹ của trẻ lên nương rẫy đi làm, không thể gặp và nói chuyện được.

Gian nan con đường đi tìm trò

Với cấp học lớn hơn, thường xuyên có tình trạng học trò bỏ học trong kỳ nghỉ hè để đi làm giúp đỡ gia đình, hoặc để kết hôn. Từ tháng 7, thầy Hoàng Sỹ Xuân, Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Văn Quý, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát thường sớm trở lại trường để chuẩn bị công tác vận động học sinh ra lớp.

“Nếu như các trường ở miền xuôi, thành thị, ngày 1/8 hằng năm, giáo viên mới tập trung tại trường để trả phép. Còn với chúng tôi, cứ tầm trung tuần tháng 7, Ban giám hiệu và giáo viên lại trở lại trường để làm công tác tuyển sinh và đi... tìm học trò.

Cô giáo của Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát) bị ngã trên đường vào điểm trường bản Ón.
Chuyện giáo viên Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát) bị ngã trên đường vào điểm trường bản Ón vẫn thường xuyên xảy ra

Để vận động học trò ra lớp, thầy cô phải trải qua nhiều khúc cua nguy hiểm, trèo đèo rồi lội suối mới tới được bản xa xôi, heo hút. Thế nhưng, đâu chỉ có 1 lần là ổn, nhiều gia đình học sinh khi chúng tôi đến, họ đều đóng cửa đi nương, rẫy vắng nhà. Vậy là, đành phải quay về trường, rồi mấy hôm sau trở lại”, thầy Xuân kể.

Đường từ trung tâm xã Mường Lý lên bản Sài Khao dài hơn 20 km. Ngày trước, khi chưa có đường bê tông, các thầy, cô giáo phải “đánh cược” tính mạng của mình trên cung đường này mỗi khi đi tìm học trò, để động viên các em đến lớp.

Khi chưa có đường bê tông, mỗi lần thầy cô lên bản đi vận động học sinh, phải mất 3 - 4 giờ “bò trườn” trên cung đường rừng trơn trượt, dốc cao dựng đứng. Giờ đây, Nhà nước đầu tư dự án đường giao thông từ trung tâm xã Mường Lý đi bản Sài Khao đã cơ bản. Tuy nhiên, thời điểm trời mưa, đi vận động học sinh vẫn còn rất vất vả, vì dốc cao, quanh co, khúc khuỷu nên rất khó khăn cho việc di chuyển bằng xe máy.

"Biết rằng, có những chuyến đi thực sự là nguy hiểm, nhưng mọi người đều xác định rằng: Nguy hiểm cũng phải đi, chứ không thể ngồi chờ học trò tự tìm đến lớp như ở nơi khác được”, thầy Quý bộc bạch.

Tương tự, thầy Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý, cũng khá lo lắng mỗi khi năm học mới đến. Công tác chuẩn bị, tổ chức cho giáo viên đi vận động học sinh đầu cấp đến trường là vấn đề đáng lo ngại. Bởi lẽ, từ nhà trường đến bản xa nhất (bản Tà Cóm) là 50 km đường rừng.

Thầy Nguyễn Văn Quý (bìa phải), Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT- THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đến nhà vận động học sinh đến trường
Thầy Nguyễn Văn Quý (bên phải), Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT- THCS Mường Lý (Mường Lát) đến nhà vận động học sinh đến trường

Thầy Thủy kể, xã Trung Lý, cũng là địa phương đất rộng, người đông, có địa hình phức tạp và chủ yếu là người Mông, Thái sinh sống. Toàn xã có 15 bản, trong đó nhiều bản xa xôi, hẻo lánh như: Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Co Cài, Pa Búa, Nà Ón… có nhiều em học điểm lẻ tiểu học nên thầy cô phải chủ động đến đón trò vào lớp 6.

Nhiều năm gắn bó với vùng biên giới, thầy Lê Thế Lập, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý nhìn nhận, cũng may, nhà trường có nơi ăn, ở bán trú. Các em đi học được hưởng tiền hỗ trợ hằng tháng, gạo ăn đầy đủ…, điều kiện học tập cũng tốt hơn, nên không còn cảnh học sinh bỏ học như trước. "Thế nhưng, đối với học sinh đầu cấp, lần đầu tiên xa gia đình, xa bản…, các em cũng bị ảnh hưởng tâm lý và có nhiều em không muốn đi”.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì lòng yêu nghề, tình thương dành cho học trò, các thầy cô giáo ở nhiều bản làng miền núi trên địa bàn cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng vẫn miệt mài cống hiến vì sự nghiệp gieo chữ ở vùng cao, với hi vọng ánh sáng tri thức sẽ đổi thay cuộc đời các em, đổi thay vùng đất nghèo của đồng bào DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.