Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện về Tiến sĩ người dân tộc Thái đầu tiên ở Điện Biên

Vũ Lợi - Lê Ngọc - 17:52, 09/08/2021

Từ người con đầu tiên của bản có tấm bằng đại học, rồi Thạc sĩ và sau này trở thành Tiến sĩ (TS) du học ở Úc trở về, Lò Văn Pấng vẫn luôn tâm niệm, phải có ý thức trách nhiệm, gắn bó với quê hương và nguyện dốc hết sức mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở Điện Biên.

Thầy giáo Lò Văn Pấng thời gian học tập tại Úc
Thầy giáo Lò Văn Pấng thời gian học tập tại Úc

Hành trình chạm đến những “nấc thang” tri thức

Chúng tôi có dịp gặp gỡ TS. Lò Văn Pấng (SN 1975) - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Anh luôn là người bận rộn với công việc, vừa giảng dạy ở trường,  vừa làm điều phối viên cho dự án mà anh đem về cho học sinh, vừa tự mình dạy các lớp tiếng Anh và kỹ năng sống cho học sinh tại nhà.

Là đứa con của dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại một bản khó khăn thuộc lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên), từ nhỏ cậu bé Pấng đã nuôi quyết tâm được làm một nhà giáo đứng trên bục giảng. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, nhưng với anh, hiện tại hôm nay có dấu ấn của những câu chuyện năm xưa, như “mồi lửa” thổi bùng khát vọng bản thân.

Anh kể: "Suốt những năm tiểu học, THCS, mỗi ngày đi học, mình phải đi bộ 5 - 6km. Đồng hồ không có, chỉ đến lớp theo “kinh nghiệm” ngó ra màn trời. Vì thế mà nhiều lần đến lớp muộn, đi học muộn, thầy cô phạt lao động hoặc không cho vào lớp. Cũng nản lắm, nhưng nào dám ra khỏi nhà khi trời còn tối đen, cứ phải đợi rạng sáng…"

Khi lên THPT, cả thị xã Điện Biên lúc đó chỉ có duy nhất 1 trường cấp 3. Pấng không thể đi bộ được nữa. Lúc đó, bố Pấng đang ốm nặng, nhưng ông vẫn cố nói với cậu “kiểu gì tao cũng phải cho mày đi học, Pấng ạ”. Rồi ông ngày ngày ngồi tách ngô để bán, góp từng đồng tiền lẻ. Cuối cùng, Pấng cũng có một chiếc xe đạp để đến trường. Năm học mới lớp 10, khi Pấng đã có xe đạp đi học thì bố Pấng mất.

Trải qua những ngày tháng đó, Pấng hiểu, dù thế nào cũng phải học lên, chỉ có đi học thì mới có cuộc sống tốt đẹp hơn, mới chấm dứt được nghèo khó. Đó là lý do mà năm 1995, khi tốt nghiệp PTTH  Pấng đã xác định rất rõ: Pấng không học trung cấp, cũng không học cao đẳng. Pấng chỉ học đại học. Thi trượt rồi thi lại, năm 2000, Pấng tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Thái Nguyên, về Điện Biên làm việc. Nhưng đầu Pấng lúc nào cũng nghĩ phải học lên nữa.

Thầy giáo Lò Văn Pấng (bên trái) trong lần nhận học bổng ADS du học tại Trường Đại học Flinders, Úc
Thầy giáo Lò Văn Pấng (bên trái) trong lần nhận học bổng ADS du học tại Trường Đại học Flinders, Úc

Sau vài năm làm giáo viên tiếng Anh ở huyện Điện Biên Đông, thầy Pấng quyết định thi lên cao học, dù mọi người cản: “Học làm gì, ở vùng sâu, vùng xa này không cần học nhiều”. Nhưng Pấng thi cao học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trở thành Thạc sĩ đầu tiên chuyên ngành tiếng Anh của Điện Biên.

Có tấm bằng thạc sĩ, có cơ hội ở lại Hà Nội, nhưng thầy Pấng chọn quay lại quê hương, trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Anh Pấng tâm niệm, mình là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Điện Biên. Điện Biên cho Pấng đi học. Vì vậy, Pấng luôn muốn gắn bó với quê hương mình, muốn được làm điều gì đó cho mảnh đất này. Rồi Lò Văn Pấng lại xuất sắc giành được học bổng ADS và hoàn thành khóa học Tiến sĩ giáo dục của Trường Đại học Flinders, Úc vào năm 2017.

Người thầy sáng tạo, nhiệt huyết

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc về, nhiều trường đại học ở các thành phố lớn mời anh về công tác, nhưng TS  Pấng đã từ chối tất cả để theo đuổi sự nghiệp trồng người ở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Khát vọng gắn bó, cống hiến cho quê hương, thôi thúc thầy Pấng luôn có những sáng tạo, truyền cảm hứng tích cực cho học trò của mình. Anh dẫn dắt học trò lĩnh hội tri thức thông qua cách tiếp cận mới, sáng tạo vào giảng dạy và đào tạo. Sự nỗ lực của bản thân được ghi nhận, khi anh được mời tham gia chia sẻ nghiên cứu tại các hội thảo quốc tế, tổ chức tại Việt Nam, Lào và Úc. Các bài tham luận của TS Pấng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, các chuyên gia về giáo dục trong nước và quốc tế.

TS. Pấng tâm niệm: “Trong mỗi nhà trường, mục tiêu nâng cao chất lượng luôn thúc đẩy người thầy tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học. Cải tạo những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và việc học. Khi người thầy nghiên cứu, cải tạo thực tiễn giáo dục bằng những tác động sư phạm, người thầy cũng đã trở thành nhà nghiên cứu thực hành, ứng dụng”.

Thầy Lò Văn Pấng và đồng nghiệp nơi anh đang công tác
Thầy Lò Văn Pấng và đồng nghiệp nơi anh đang công tác

Anh cũng chia sẻ rằng, người thầy phải là một chuyên gia có kiến thức về tâm lý và giáo dục. Được vậy mới có thể hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh khi gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nhờ những sự can thiệp kịp thời của các thầy cô, mà các em có thể vượt qua những trở ngại của bản thân và tập trung vào việc học tập của mình. Nhà giáo là nhà nghiên cứu và là nhà thực hành để kiểm nghiệm các công trình nghiên cứu của mình.

Em Lò Văn Thuận, sinh viên năm 3, chia sẻ: “Trong các giờ giảng, thầy Pấng luôn truyền cảm hứng cho chúng em. Thầy là động lực thúc đẩy ý thức tự học cho sinh viên, đặc biệt là các bạn dân tộc thiểu số. Chính bởi sự quan tâm của thầy mà chúng em từ những người chỉ biết học thi, giờ chúng em có thể tự nghiên cứu, thảo luận và sáng tạo trong các đề tài được thầy hướng dẫn. Được là học sinh của thầy thật may mắn”.

Tận tâm công hiến cho sự nghiệp “trồng người”, song thầy Pấng cũng rất trăn trở: Bởi Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vị trí địa lý đã làm giảm đi cơ hội để học sinh tiếp cận, tham gia các hội thảo lớn. Do đó, có cơ hội là anh không quản đường sá xa xôi, tự mình bỏ tiền túi để chạy khắp nơi tìm dự án về cho học sinh. Các dự án của Đại sứ quán Hoa Kỳ hay các tổ chức quốc tế do anh kết nối đã thực sự mở ra một con đường rất mới mẻ cho học sinh dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, anh xin được học bổng 26.000 USD của Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ cho 25 sinh viên của trường vừa học tiếng Anh, vừa học các kỹ năng trong vòng 2 năm. “Với dự án này, thầy trò được đi thực tế ở Hà Nội, các em học sinh dân tộc thiểu số lần đầu xuống phố, cái gì cũng bỡ ngỡ, nhưng qua mỗi lần trải nghiệm, các em lại trưởng thành lên. Được trang bị kiến thức và kỹ năng và không ai khác, chính các em sẽ trở thành nhân tố để phát triển những vùng dân tộc thiểu số còn nghèo khó”, TS. Pấng kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.