Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tâm tình của những thầy cô cắm bản

Tùng Lâm - 11:50, 17/02/2020

Ở các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao của huyện Krông Bông (Đăk Lăk) hiện vẫn có hàng chục thầy, cô giáo nhà cách trường hàng chục cây số. Mỗi người một hoàn cảnh với bao khó khăn, vất vả. Song, hằng ngày họ đang nỗ lực vượt qua để bám trường, bám lớp.

Giờ lên lớp của cô H'Do Dur tại điểm trường buôn Ea Chố, Trường Tiểu học Yang Mao
Giờ lên lớp của cô H'Do Dur tại điểm trường buôn Ea Chố, Trường Tiểu học Yang Mao

Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hải Dương năm 2012, cô H’Do Dur (dân tộc M’nông) nhà ở xã Yang Tao (huyện Lắk) về nhận công tác tại Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao). Nhà cách trường hơn 60km, bố mẹ già yếu, con nhỏ phải đem theo, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, vài ba tuần mới về thăm nhà một lần. Gác lại những khó khăn, vất vả, cô H’Do Dur gắn bó với các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Yang Mao từ khi mới về trường. 

“Các em học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc M’nông, điều kiện giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi vào lớp 1, đa số các em chưa biết viết, nhiều em chưa biết cầm bút, phát âm không chính xác. Vì vậy thầy cô ở đây phải rất vất vả, bỏ ra nhiều công sức, thời gian cầm tay, hướng dẫn từng em một”, cô H’Do Dur tâm sự.

Cô Hoàng Thị Vương (dân tộc Tày) cũng gắn bó với Trường Tiểu học Yang Mao gần 8 năm nay. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật - Du lịch Nha Trang (Khoa Sư phạm âm nhạc) về nhận công tác và được phân công làm Tổng phụ trách Đội. Trong suốt những năm qua, cô Vương luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, dành nhiều thời gian, tâm sức tập luyện cho các em đội viên, nhi đồng; xây dựng nề nếp hoạt động Đội - Sao với nhiều hoạt động thiết thực như: chương trình phát thanh măng non, bài thể dục Earobic giữa giờ, các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ… Liên đội nhà trường luôn được đánh giá vững mạnh xuất sắc. Ngoài ra, cô Vương còn tham gia vận động quyên góp giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo. 

Thầy giáo tật nguyền Vũ Đức Thắng, giáo viên Trường Tiểu học Ea Bar (xã Cư Pui) “bám trụ” với học sinh người dân tộc Mông từ khi mới ra trường. Bị căn bệnh vẹo cột sống từ khi còn học lớp 6. Vượt qua tất cả, thầy Thắng đã gắn bó với trường từ năm 2011 đến nay. Nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với học sinh trong từng tiết dạy, học tiếng Mông để giao tiếp với học sinh. Tuy xa gia đình nhưng thầy Thắng chưa có ý định chuyển về gần nhà, mà mong muốn tiếp tục ở lại công tác để đem con chữ đến cho các em học sinh người Mông. Thầy Thắng tâm sự: “Hiện tại mình chưa có ý định xin chuyển vì bố mẹ còn khỏe. Hơn nữa giờ có về gần nhà cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình. Mình sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, bệnh tật để tiếp tục giảng dạy cho các em học sinh vùng sâu”.

Còn vợ chồng thầy Nguyễn Vân ở thị trấn Phước An (Krông Pắc) về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Hòa Tân) từ năm 2008. Đầu năm học vừa qua, do sáp nhập trường, nên cả hai vợ chồng thầy Vân được cấp trên điều động vào giảng dạy ở vùng sâu. Thầy Vân về Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm), còn cô Thùy (vợ thầy Vân) dạy môn Mỹ thuật về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nhân Giang (xã Yang Mao). 

Điều kiện rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng thầy Vân đã khắc phục để công tác tốt. Là giáo viên dạy âm nhạc, lại có giọng hát hay nên khi về nhận công tác, thầy Vân đã cùng với tập thể nhà trường tập luyện và tham dự Hội diễn văn nghệ truyền thống ngành Giáo dục và đã đạt giải A. Những tiết dạy của thầy được học sinh vô cùng thích thú.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.