Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Còn sống còn đi tìm đồng đội!

Lê Hường - 09:50, 27/10/2020

Suốt 15 năm qua, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thành Chung, sống ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa (Đăk Nông) vẫn miệt mài rong ruổi khắp các chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội để đưa về với gia đình, về với mái nhà chung là các nghĩa trang liệt sĩ, nơi Tổ quốc ghi công, để họ được an nghỉ.

Ông Nguyễn Thành Chung cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Đăk Nông nghiên cứu bản đồ.
Ông Nguyễn Thành Chung cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Đăk Nông nghiên cứu bản đồ.

15 năm đi tìm đồng đội

Ông Nguyễn Thành Chung sinh năm 1950, ở tỉnh Thái Bình. Năm 21 tuổi, ông nhập ngũ và được điều động vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu; tham gia cuộc chiến ác liệt trong chiến dịch Nguyễn Huệ. Rồi sau đó, ông Chung trở thành bộ đội trinh sát của Tiểu đoàn độc lập số 4, Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh miền Đông.

Cuối năm 1973, ông cùng đơn vị của mình vượt qua hàng trăm km lên tới mặt trận Quảng Đức (là Đăk Nông hiện nay), trực tiếp chiến đấu hơn 3 năm. Đây là địa bàn chiến lược của Mặt trận miền Đông. Trong những năm 1973 - 1975, chiến sự khu vực này diễn ra ác liệt, bộ đội ta hy sinh rất nhiều. “Ngày ấy, tôi chứng kiến bao đồng đội hy sinh chỉ chôn cất vội nơi rừng sâu, núi thẳm. Tôi rất đau lòng, nên đã tranh thủ vẽ lại sơ đồ, đánh dấu những điểm đồng đội nằm xuống, với mong muốn sau này trở lại, đưa đồng đội về với gia đình, về đúng nơi được Tổ quốc ghi công”.

Năm 2006, từ sơ đồ cũ, ông Chung cùng gia đình liệt sĩ Vũ Tá Thường, một đồng đội cùng quê, cùng ngày nhập ngũ, cùng đơn vị chiến đấu và cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Đăk Nông đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Thường tại thôn 8, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Cũng trong chuyến này, ông Chung cùng Bộ CHQS tỉnh Đăk Nông đã tìm thêm được 4 liệt sĩ khác đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk R’lấp. Ông nói, ngày đó khu vực này là rừng già, mộ của liệt sĩ được chôn cất dưới gốc cây to, tảng đá lớn để làm dấu nhưng giờ địa hình thay đổi, các vật chuẩn đánh dấu không còn nên việc tìm kiếm khó khăn rất nhiều. Ở xã Quảng Tâm này còn nhiều mộ của liệt sĩ Trung đoàn 271 và 205 hy sinh lắm.

Năm 2007, ông Chung đưa cả gia đình vào Đăk Nông sinh sống để thuận tiện cho việc tìm kiếm hài cốt đồng đội, hoàn thành tâm nguyện của mình.

Tình cảm, trách nhiệm của người lính

Ông Chung tâm sự: Sau 40 năm, chiến trường xưa bây giờ hoàn toàn đổi khác, cuộc tìm kiếm khó khăn hơn rất nhiều. Bản thân mình, tuổi cao sức khỏe sẽ yếu dần đi, nhưng khi còn sức khỏe, trí nhớ còn minh mẫn, đôi chân còn trèo đèo, lội suối được thì càng phải tranh thủ, tận dụng từng phút. Ông chỉ mong sao tìm được nhiều nhất có thể, để các đồng đội có cơ hội được về với gia đình.

“So với ngày xưa chiến đấu, sống dưới mưa bom bão đạn thì vất vả này làm sao bằng. Tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội là tình cảm, trách nhiệm của những người lính còn sống sau chiến tranh. Để các anh nằm lãnh lẽo suốt mấy chục năm qua, tôi thấy day dứt. Ngày nào ngoài kia vẫn còn đồng đội, đồng chí chưa được trở về với quê cha, đất mẹ và tôi còn sống, còn sức khỏe, tôi vẫn đi tìm”, CCB Nguyễn Thành Chung nói.

Nhờ sự tận tâm, trí nhớ minh mẫn của ông Chung cùng lực lượng quân đội tỉnh Đăk Nông mà nhiều hài cốt liệt sĩ đã được đoàn tụ cùng gia đình. Điển hình như năm 2017, tại đồi Đạo Trung, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, CCB Nguyễn Thành Chung đã cùng đồng đội tìm được một khu mộ chôn cất 33 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271.