Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Nơi hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa Gia Lai

Hoà Bình - 15:20, 02/11/2023

Một hoạt động trải nghiệm văn hóa thú vị dành cho người dân và du khách đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hàng tuần, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Với nhiều nội dung hoạt động nghệ thuật hướng về chủ đề “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển”. Hoạt động này được đánh giá là cách làm độc đáo giúp cộng đồng các dân tộc trong tỉnh quảng bá, giới thiệu lan tỏa nét văn hoá đặc sắc đến toàn thể người dân và du khách. Qua đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với việc thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Các nghệ nhân của xã Ia Dêr, huyện Ia Grai trình diễn cồng chiêng Mừng lúa mới
Các nghệ nhân của xã Ia Dêr, huyện Ia Grai trình diễn cồng chiêng Mừng lúa mới

Rực rỡ sắc màu văn hóa

Giữa phố núi Pleiku náo nhiệt, vội vã, khuôn viên Bảo tàng tỉnh rợp hàng cây xanh ngát, đậm chất núi rừng, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân tự do thể hiện các phần trình diễn với tất cả hứng khởi và say mê. Các nghệ nhân thỏa sức phô bày sự đa dạng của văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, các trò chơi dân gian… Mỗi chủ nhật hàng tuần, không gian tại đây đều tràn ngập âm thanh và màu sắc riêng biệt, độc đáo của mỗi dân tộc đến từ các buôn làng khác nhau.

Mới đây, chúng tôi được chứng kiến Chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” tuần đầu tiên, do Đoàn nghệ nhân dân tộc Gia Rai, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai thực hiện. Các nghệ nhân đã mang đến cho khán giả trải nghiệm thú vị, cùng hòa mình vào những màn trình diễn cồng chiêng mừng lúa mới rộn ràng và bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc Anh hùng Núp hào hùng. 

Những màn trình diễn đặc sắc cùng tiếng cồng chiêng âm vang đã mang đến cho khán giả không khí rộn ràng, tươi vui
Những màn trình diễn đặc sắc cùng tiếng cồng chiêng âm vang đã mang đến cho khán giả không khí rộn ràng, tươi vui

Anh Siu Tim, Trưởng đoàn nghệ nhân Ia Dêr, phấn khởi cho biết: "Đây là lần đầu tiên đoàn được trình diễn trong không gian nhộn nhịp, đông người qua lại thế này. Càng đông người xem, chúng mình càng hăng say tấu lên những bài nhạc, đánh lên những nhịp chiêng thật vang, nhịp nhàng để mọi người biết đến, không chỉ là  âm nhạc mà còn là văn hoá dân tộc Gia Rai mình hay như thế nào”.

Là đội tham gia tuần thứ 2, Đoàn nghệ nhân Ba Na làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, với 46 thành viên đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc văn hóa thịnh soạn. Đó là những màn trình diễn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca; đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm cùng những trò chơi dân gian như đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ và chế biến món ăn truyền thống của dân tộc Ba Na, giã gạo, vò lá mì…

Cách chế biến món ăn truyền thống của dân tộc Ba Na, giã gạo, vò lá mì… thu hút khán giả đến tham quan, trải nghiệm
Cách chế biến món ăn truyền thống của dân tộc Ba Na, giã gạo, vò lá mì… thu hút khán giả đến tham quan, trải nghiệm

Anh Khoa, thành viên đoàn chia sẻ: “Để chuẩn bị cho ngày trình diễn này, chúng tôi đã tập hợp bà con trong làng trước 10 ngày. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi thu xếp công việc, gác lại nương rẫy để cùng nhau lên thành phố trình diễn. Ai có thế mạnh nào, thì tham gia thể hiện hết mình để đến cho khán giả những màn trình diễn đặc sắc, phong phú. Thật mừng vì khán giả cũng hoà cùng đội múa xoang, trải nghiệm những trò chơi dân gian chúng tôi mang đến chương trình”.

Trao truyền văn hoá dân tộc

Trải nghiệm Chương trình của Đoàn nghệ nhân Ba Na làng Kon Măh, em Hồ Minh Huy, phường Hội Thương, TP. Pleiku vui mừng nói: “Lần đầu tiên em được cảm nhận tiếng đàn ting ning, clack clock, t’rưng và cả tiếng trống, tiếng chiêng. Có rất nhiều thứ em muốn tìm hiểu, em sẽ đến đây hàng tuần để tiếp tục khám phá hết những văn hoá độc đáo của các dân tộc ở Gia Lai”.

Trong những buổi trình diễn, chủ thể văn hóa vùng đất này ngày càng ý thức rõ sức mạnh nội tại mình đang sở hữu để phát huy và trao truyền. Đội hình của đoàn còn có sự góp mặt của nghệ nhân đủ mọi lứa tuổi. Trong số đó, vẻ đáng yêu của các nghệ nhân “nhí” trở thành tâm điểm của buổi trình diễn, khiến khán giả vô cùng thích thú. Đây chính là những người sẽ kế thừa tình yêu văn hoá dân tộc, giúp nó còn mãi với thời gian.

Em Thọ (7 tuổi, thành viên Đoàn nghệ nhân Ba Na làng Kon Măh, xã Hà Tây) tâm sự: “Em được các cô chú trong đoàn tạo cơ hội đi trình diễn nhiều chương trình như Ngày hội văn hoá các dân tộc, Cồng chiêng cuối tuần… và những sự kiện quan trọng của làng, được biểu diễn trong các vai mình yêu thích, được học thêm nhiều bài chiêng hay. Em cảm thấy rất vui vì được gặp nhiều người và được giới thiệu về văn hóa dân tộc.

Các em nhỏ hào hứng tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc Gia Rai
Các em nhỏ hào hứng tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc Gia Rai

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Thời gian qua, để cùng các nghệ nhân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều chương trình thực tế, đưa không gian văn hóa từ làng ra phố như: “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển”; Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm; Ngày hội văn hóa các DTTS, Liên hoan cồng chiêng và sắp tới là Festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai và Tuần lễ văn hóa - Du lịch 2023..., từ các chương trình với nội dung thiết kế phong phú, đặc sắc, ý thức trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa đã được nâng lên. Đây cũng chính là cơ hội phát triển mạnh mẽ dịch vụ, du lịch tỉnh Gia Lai.

Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Việc tổ chức các chương trình đã mang lại thành công trên 2 phương diện là bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn ; đồng thời thúc đẩy các hoạt động du lịch. Đặc biệt, thành công bước đầu từ việc tổ chức được 2 chương trình văn hóa đặc sắc diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần (từ tháng 10 - 12/2023), Sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều mô hình mới, đa dạng hoạt động hơn, có sự tham gia của đông đảo bà con các DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, mỗi tuần, chương trình sẽ mời một đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc mình.

Theo đó, các nghệ nhân có thể tái hiện không gian sinh hoạt hàng ngày, như đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc…; tái hiện không gian sinh hoạt lễ hội; tổ chức các trò chơi dân gian, chế biến ẩm thực và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào các DTTS.

"Việc tổ chức các nội dung hoạt động văn hóa thiết thực này, là một trong những nội dung nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thông tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 của tỉnh", ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.