Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cuộc sống mới ở Bảo Lâm

Minh Thu - 09:53, 21/08/2020

Từng là vùng đất “bốn nhất”: Nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào DTTS đông nhất của tỉnh Cao Bằng, 5 năm qua, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào các DTTS có cơ hội vươn lên thoát nghèo, tạo bước chuyển mới trong thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển.

Thị trấn Pác Miầu, Bảo Lâm (Cao Bằng) hôm nay
Thị trấn Pác Miầu, Bảo Lâm (Cao Bằng) hôm nay

Cuộc sống đổi thay

“Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”... là câu nói ví von về sự khó khăn, gian khổ ở Bảo Lâm. Xã Yên Thổ cách huyện lỵ gần 60km, với nhiều khúc đường đèo và đá hộc. Còn xã Đức Hạnh, là vùng đất gần như bị chia cắt với bên ngoài bởi những dãy núi đá sừng sững. Ti vi, quạt điện, nước sinh hoạt với người dân nơi đây là điều xa xỉ… Thuở ấy, ai lên được những địa danh như: Chè Lỳ A, Chè Lỳ B, Lũng Mần… có thể xem như đã vượt được đỉnh Fansipan ở Lào Cai…

Trở lại Bảo Lâm sau 5 năm, ấn tượng nhất đối với tôi là những thửa ruộng bậc thang, những vườn keo xanh màu no ấm. Cung đường đèo dốc, lổn nhổn toàn đá hộc năm xưa, giờ đã được thay bằng những con đường trải nhựa, uốn lượn theo những sườn đồi. Hai bên đường là những cột điện cao thế, là trạm y tế, trường học được xây mới khang trang… minh chứng cho một cuộc sống mới đang hiện diện ở Bảo Lâm.

“Có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày Bảo Lâm đổi thay như hôm nay. Riêng cung đường từ thị trấn Bảo Lạc lên đến thị trấn Pắc Mjầu đã được rút ngắn 2/3 thời gian so với cách đây 20 năm. Có được những đổi thay đó, là nhờ sự đầu tư của Nhà nước và các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. 5 năm trở lại đây, Bảo Lâm đã có nhiều đổi thay. Cuộc sống của người dân đã bớt khó khăn hơn”, ông Nông Bế Chuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm chia sẻ.

Ông Chuyên cũng cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đầu tư gần 986 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản. Đến nay, 100% các xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai sâu rộng, ngày càng phát triển toàn diện. Riêng với Chương trình 135, huyện đã đầu tư gần 84,6 tỷ đồng để xây dựng 112 công trình hạ tầng; 27,7 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất cho 3.669 hộ đồng bào nghèo… Các công trình, dự án được đầu tư đã tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 62,97% (năm 2016) xuống còn 40% (cuối năm 2019).

Động lực phát triển

Đến thăm hộ bà Sầm Thị Giàng ở xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh, một trong những hộ trước đây thuộc diện nghèo, nhưng nay đã thoát nghèo, chỉ tay về phía nương ngô trước sân nhà, bà Giàng nói: “Ngày trước khổ vì sống trên núi cao khô khát. Thiếu nước, nên trồng ngô, trồng lúa chỉ được 1 vụ trong năm… Chúng tôi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống cây, con, nên cuộc sống bây giờ bớt khổ rồi không còn thiếu ăn, thiếu nước như trước…”.

Nhờ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, 5 năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo của xã Đức Hạnh đạt được những kết quả tích cực. Trước đây, toàn xã có tới 80% hộ nghèo, thì nay xã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn khoảng 40%; hơn 1/3 số dân trong xã đã được dùng điện lưới. 

Không chỉ ở xã Đức Hạnh, ở xã Yên Thổ, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình như gia đình anh Hoàng Văn Toàn, ở xóm Bản Búng. Với 25 triệu đồng vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2015, anh mua 2 con bò về nuôi. Đến nay, gia đình anh có đàn bò 5 con. Ngoài ra, anh còn nhận trồng và chăm sóc gần 1ha rừng, bình quân cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. 

Bằng các dự án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2013, người dân Yên Thổ đang tập trung trồng lúa đặc sản Khẩu Siên Păn để sản xuất gạo nếp cẩm Yên Thổ, một trong những loại gạo đặc sản nối tiếng của huyện Bảo Lâm, thường được thương lái vào tận nhà hỏi mua. 

“Từ năm 2015 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ cấp giống lúa, gia đình tôi duy trì trồng 1.000m2 giống lúa nếp Khẩu Siên Păn, thu về 200kg thóc. Với giá khoảng 50.000 đồng/kg, tôi thu về được ngót 10 triệu đồng/vụ. Nhận thấy hiệu quả từ giống lúa này, tôi đã vận động bà con trong xóm cùng tham gia. Hiện có 23/36 hộ dân trong xóm tham gia trồng, với diện tích khoảng 5ha”, Trưởng xóm Khau Han, ông Đàm Văn Thắng cho biết. 

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của địa phương, Phó Bí thư Huyện ủy Nông Bế Chuyên cho rằng, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng đến thời điểm này, Bảo Lâm vẫn đang là huyện có số xã đặc biệt khó khăn nhiều nhất nước. Để thực sự xóa được đói, giảm được nghèo, Bảo Lâm cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều nguồn lực, chính sách ưu tiên. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bảo Lâm hy vọng sẽ có động lực, mục tiêu để vươn lên phát triển kinh tế, góp phần cải thiện sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng đến thời điểm này, Bảo Lâm vẫn đang là huyện có số xã đặc biệt khó khăn nhiều nhất nước. Để thực sự xóa được đói, giảm được nghèo, Bảo Lâm cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều nguồn lực, chính sách ưu tiên”.

Ông Nông Bế Chuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Lâm

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.