Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cựu chiến binh 22 năm đi tìm đồng đội

T.Nhân-H.Trường - 17:17, 27/07/2024

Từng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, ông Nguyễn Đăng Khoa (60 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã nhiều lần chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống để bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày trở về, ông vẫn đau đáu trong lòng về việc tìm kiếm những liệt sĩ còn nằm lại nơi chiến trường xưa. Hơn 22 năm qua, ông vẫn miệt mài đi khắp nơi không quản nắng mưa, góp sức cùng các ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Cái tâm của người lính già

Những ngày cuối tháng 7, tôi gặp ông Khoa tại nghĩa trang xã Tây Giang (Tây Sơn, Bình Định), khi ông đang lặng lẽ cầm bó hương trên tay đi từng phần mộ để thắp cho những đồng đội của mình đã hy sinh. Những năm tháng chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau người ở lại vẫn còn hiện hữu. Có những liệt sĩ đã được quy tụ về đây thì người thân và gia đình cũng còn biết chỗ đến thăm nom, nhưng vẫn còn biết bao đồng đội chưa được tìm thấy, nhiều gia đình vẫn ngày đêm trông ngóng người thân, ông Khoa mở đầu câu chuyện với chúng tôi. 

Ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ về những tháng ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ
Ông Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ về những tháng ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ

Tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia từ năm 1982, ông Khoa thuộc Sư đoàn 307, chiến đấu tại tỉnh Preah Vihear giáp biên giới Thái Lan. Những ngày tháng sát cánh cùng đồng đội chống Pol Pot đối với ông là những tháng ngày không thể nào quên. Ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi vẫn còn được trở về đoàn tụ bên gia đình, được sống trong những ngày tháng hòa bình. Hình ảnh về những đồng đội năm xưa đã ngã xuống thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để trả nợ ân tình với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Năm 2002, ông bắt đầu hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mặc lời can ngăn của nhiều người. Đến nay, gần 22 năm làm công việc này, ông không nhớ là mình đã tìm được bao nhiêu hài cốt liệt sĩ, và cũng không nhớ hết là đã kết nối được bao nhiêu thân nhân của liệt sĩ để đón các anh trở về. Ông Khoa tâm sự: Mỗi lần tìm được hài cốt liệt sĩ tôi mừng lắm, chỉ mong các anh được quy tập về quê, được gần những người thân là mãn nguyện rồi. Khi còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục công việc này".

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa thắp nén hương thơm cho đồng đội của mình
Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa thắp nén hương thơm cho đồng đội của mình

Theo ông Khoa, trong hàng trăm chuyến đi, không phải lần nào cũng tìm được hài cốt liệt sĩ, có những lần trở về tay trắng.  Thế nhưng ông không cho phép mình dừng lại, còn một chút manh mối, thông tin ông lại tiếp tục lên kế hoạch tìm kiếm đồng đội. 

Còn nhiều trăn trở

Trong rất nhiều chuyến đi của ông, mỗi chuyến đi là một kỉ niệm. Nhưng câu chuyện tìm được thân nhân của liệt sĩ Trương Công Thanh (quê ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, hy sinh năm 1984 tại chiến trường Campuchia) cách đây khoảng 10 năm là một kỷ niệm khó quên. Bởi trong câu chuyện này, ngoài sự nỗ lực của những người trong cuộc, thì dường như còn có một sự may mắn tâm linh nào đó.

Trước đó, mặc dù ông và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ Thanh, nhưng không có kết quả. "Một hôm, tôi đang nằm ngủ trưa trên chiếc võng trước hiên nhà thì trong đầu lại xuất hiện hình ảnh của liệt sĩ Thanh. Thức dậy, ông chạy xe máy xuống Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tây Sơn nhờ cán bộ tìm hồ sơ về  liệt sĩ Thanh", ông Khoa cho biết.

Sau khi xác định được chính xác liệt sĩ Thanh quê ở xã Tây Phú, ông tức tốc vào xã hỏi thăm nhiều người và may mắn tìm được nhà của em ruột liệt sĩ Trương Công Thanh. Cùng lúc này, Thiếu tướng Huy cũng có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Sơn để tìm kiếm thông tin thân nhân liệt sĩ Thanh để xác minh thêm thông tin. Vậy là, từ thời điểm đó chúng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình, đó là trao trả lại toàn bộ thông tin liệt sĩ Trương Công Thanh cho gia đình.

Với những thành tích xuất sắc trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ, năm 2023 ông Nguyễn Đăng Khoa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen
Với những thành tích xuất sắc trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ, năm 2023 ông Nguyễn Đăng Khoa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen

Cũng theo ông Khoa, khi nghe tin có gia đình liệt sĩ về địa phương để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hay thông tin về mộ liệt sĩ thì ông đều đến liên hệ ngay để hỗ trợ. Chính vì thế, có những đợt ông và tổ tìm kiếm đã xác định đúng vị trí nhiều mộ liệt sĩ để cơ quan chức năng quy tập quy mô lớn như ở gò Dúi Dùi (thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang), gò Me (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận)...

Điều trăn trở nhất của ông Khoa hiện nay là còn 18 ngôi mộ liệt sĩ của Sư đoàn 968, Sư đoàn 3 Sao Vàng chưa biết tên. Trong những năm qua, ông đã phối hợp cùng nhiều đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thử nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Còn sức là còn đi, còn tiếp tục hành trình tìm kiếm của mình. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực tìm cách kết nối với thân nhân của các liệt sĩ này, mong sớm một ngày đưa các anh về với gia đình” ông Khoa nói.

Với những thành tích xuất sắc trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, cuối tháng 3 năm 2023, ông Nguyễn Đăng Khoa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Song, điều quan trọng hơn cả thôi thúc ông gắn bó với hành trình tìm kiếm đồng đội không phải bằng khen, giấy khen mà vì sự tin tưởng của các gia đình thân nhân liệt sĩ và sự thanh thản trong tâm hồn ông khi nghĩ về đồng đội.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.