Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Đặc sản “cá kho làng Vũ Đại” trên cao nguyên

Đoàn Dũng - 17:17, 18/03/2021

“Cá kho làng Vũ Đại” là cái tên không còn xa lạ đối với những thực khách sành ăn. Đây là món ăn truyền thống mang hơi thở của vùng quê đồng bằng chiêm trũng, được người dân xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chế biến, lưu truyền. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ngay tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cũng có thể được thưởng thức món “cá kho làng Vũ Đại” với hương vị không kém phần độc đáo.

Anh Cù Văn Thuật đang kho cá.
Anh Cù Văn Thuật đang kho món "cá kho làng Vũ Đại"

Nhiều tháng nay, gia đình anh Cù Văn Thuật ở thôn 8, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) luôn tất bật với nghề nấu “cá kho làng Vũ Đại” để bán cho người dân trong vùng. Từ lúc ban đầu chỉ vài người thân quen biết đến, rồi người này truyền tai người kia, càng ngày số lượng người biết và tìm đến anh đặt hàng cá kho ngày một nhiều. Có thời điểm đông khách, mỗi ngày anh kho đến 10 nồi cá. Chị Cù Thị Lan ở cùng xóm anh, cho biết: “Món cá này đặc biệt ở chỗ ướp gia vị phải cầu kỳ, để nấu được một nồi cá cần phải có đến 10 loại gia vị. Thời gian đun rất lâu từ 12 đến 14 tiếng mới xong”.

Chia sẻ về bí quyết nấu món “cá kho làng Vũ Đại”, anh Thuật cho biết, nồi cá được làm từ những thứ giản dị ở thôn quê: Cá trắm đen nuôi ao (khoảng 5-7 kg/con), riềng, gừng, chanh hoặc quả chấp, nước tương cua và niêu đất. Cá trắm đen được anh Thuật bắt lên từ dưới ao rồi đem về mổ bỏ đầu, đánh vẩy, cắt khoanh và rửa sạch. Riềng và gừng được cạo sạch vỏ, gừng và một phần riềng xay nhỏ, phần còn lại thái mỏng.

Nồi đất dùng để kho cá sẽ được xử lý bài bản trước khi đun
Nồi đất dùng để kho cá sẽ được xử lý bài bản trước khi đun

Theo anh Thuật: “Để có được nồi cá kho ngon và đặc biệt, ngoài những nguyên liệu của vùng quê ra, thì cần phải có niêu đất mua ở Đô Lương (Nghệ An)”. Niêu đất mua về phải “xử lý” bằng cách đun nước cháo loãng cho khỏi nứt khi kho cá. Khi tất cả đã được chuẩn bị, anh Thuật rải một lớp riềng thái xuống niêu đất, rồi xếp các khoanh cá lên trên và trên cùng là phủ 1 lớp gừng riềng xay nhỏ. Sau đó rưới nước tương cua lên trên rồi cho lên bếp củi kho.

Do ở Buôn Ma Thuột củi nhãn ít phổ biến, nên khi kho cá, anh Thuật phải kho bằng củi ké và củi cà phê. Khi kho cá, lúc đầu đun lửa to và đều, sau đó nhỏ lửa dần, cuối cùng ủ trấu để giữ nhiệt cho nồi luôn sôi lục bục.

Cá kho đạt chuẩn sẽ thơm, bùi và đậm đà của 10 loại gia vị hòa quyện với nhau
Cá kho đạt chuẩn sẽ thơm, bùi và đậm đà của 10 loại gia vị hòa quyện với nhau

Nguyên liệu cho một nồi cá đòi hỏi phải được ướp tẩm đầy đủ gia vị như gừng, riềng, nước cốt chanh, nước cốt xương lợn. Trong đó có 10 gia vị gia truyền  chưng cất lẫn với nhau mà chỉ có những nhà nghề lâu năm mới có. Cá kho không sử dụng chất bảo quản nhưng vẫn giữ được trong vòng 1 tuần, nếu cho cá vào tủ lạnh có thể để được 2 tuần. Nồi cá kho xong để cho thật nguội sẽ có màu vàng sậm, đậm vị ngọt của cá và thơm ngậy thịt ba chỉ, thịt cá còn nguyên sớ, xương cá nhừ ăn được. Giá trung bình 1 nồi cá (loại 1 kg) là 300 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi nồi anh Thuật lãi 50 nghìn đồng.

Với sự xuất hiện của món "cá kho làng Vũ Đại" ở Buôn Ma Thuột không chỉ giúp cho những người yêu thích món ăn này có thể dễ dàng sử dụng mà còn góp phần làm đa dạng thêm các món ẩm thực cho vùng đất Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Xác lập kỷ lục Việt Nam chế biến 102 món ăn từ tàu hũ ky

Vĩnh Long: Xác lập kỷ lục Việt Nam chế biến 102 món ăn từ tàu hũ ky

Ngày 17/11, tại TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã diễn ra Liên hoan ẩm thực món ngon vùng miền, Hội thi ẩm thực và xác lập kỷ lục Việt Nam chế biến 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky Mỹ Hòa – Bình Minh.