Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Đắk Lắk: Du khách thích thú trải nghiệm văn hóa cồng chiêng dịp Quốc Khánh 2/9

Lê Hường - 18:35, 02/09/2024

Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, năm 2024 diễn ra ngày 31/8- 1/9 tại Khu du lịch sinh thái Ko Tam và Buôn du lịch cộng đồng Ako Dhong đã thu hút đông đảo du khách ở các tỉnh đến trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều du khách đến Đắk Lắk trải nghiệm văn hóa cồng chiêng
Nhiều du khách đến Đắk Lắk trải nghiệm văn hóa cồng chiêng

Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024), hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Anh Nguyễn Thanh Long đến từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Anh đang làm việc tại Công ty kinh doanh du lịch biển đảo ở Nha Trang. Khi nắm được thông tin tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng và lễ hội sầu riêng, Công ty của anh đã quyết định đưa cán bộ, người lao động đến tham quan dịp lễ. Chuyến đi này thật sự rất thú vị, chúng tôi ấn tượng với những nét đẹp văn hóa truyền thống cùa đồng bào DTTS nơi đây. Mong rằng, nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy hơn nữa để du khách đến Đắk Lắk được tham quan, trải nghiệm di sản quý giá ở đây.

Du khách thích thú trải nghiệm cồng chiêng, thưởng thức rượu cần
Du khách thưởng thức rượu cần

Lần đầu tiên được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, chị Lê Thị Thùy Dương đến từ tỉnh Thanh Hóa thích thú. “Tôi chỉ nghe tiếng cồng chiêng, xem biểu diễn trên ti vi, giờ được trực tiếp thấy các nghệ nhân biểu diễn, nghe âm thanh thực tế hấp dẫn hơn rất nhiều. Không chỉ diễn tấu cồng chiêng, điệu múa, nghi lễ của các dân tộc Tây Nguyên cũng rất đặc sắc”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng KoTam, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Cùng với phát triển du lịch, thời gian qua, Khu du lịch sinh thái Ko Tam luôn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Các hoạt động văn hóa diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Ko Tam luôn được đông đảo người dân và du khách ủng hộ. Có thể nói rằng Liên hoan văn hoá cồng chiêng Đắk Lắk được tổ chức ở các khu, điểm du lịch có ý nghĩa rất lớn, góp phần kích cầu du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk, đặc biệt là trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9.

Du khách cùng các cô gái Ê Đê trong trang phục truyền thống
Du khách cùng các cô gái Ê Đê trong trang phục truyền thống

Giá trị văn hóa truyền thống là tiềm năng đáng quý để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng bền vững, ổn định thu nhập cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Có những nghệ nhân tham gia biểu diễn văn hóa phục vụ cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch có nguồn thu nhập khá.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại, Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk lần thứ III có nhiều điểm mới. Thay vì tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh, liên hoan lần này được tổ chức tại 2 khu du lịch nổi tiếng tại địa bàn Tp.Buôn Ma Thuột gồm Buôn du lịch cộng đồng Ako Dong và Khu du lịch sinh thái Ko Tam.

Các đội tham gia được tổ chức làm 2 đội chiêng gồm đội chiêng lớn tuổi và đội chiêng trẻ thể hiện sự kết nối, trao truyền giữa hai thế hệ. Từ đó, phát huy nhân tố mới, những diễn viên trẻ đam mê nhiệt huyết có tình yêu mãnh liệt với văn hóa cồng chiêng.

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng, múa của nghệ nhân đoàn huyện Ea Súp
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng, múa của nghệ nhân đoàn huyện Ea Súp

Ban Tổ chức mong rằng, văn hóa cồng chiêng sẽ trở thành động lực nội sinh để phát triển du lịch. Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các địa phương, các sở, ngành phát huy và đưa văn hóa cồng chiêng trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ III có gần 600 nghệ nhân dân gian của các đoàn đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau 2 ngày biểu diễn, hơn 60 tiết mục gồm diễn tấu cồng chiêng truyền thống, diễn tấu nhạc cụ kết hợp cồng chiêng, múa truyền thống kết hợp diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, trích đoạn nghi lễ, lễ hội… đã hoàn thành.

Ban Tổ chức đã trao một giải Nhất toàn đoàn cho đoàn huyện Lắk, trao hai giải Nhì và ba giải Ba cho các đoàn có thành tích cao. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C cho các tiết mục xuất sắc, giải phụ cho nghệ nhân lớn tuổi nhất, nghệ nhân xuất sắc toàn diện, nghệ nhân nam nhỏ và nữ nhỏ tuổi nhất.

Hình ảnh một số tiết mục biểu diễn đặc sắc tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng:

Điệu múa truyền thống của người Gia Rai
Điệu múa truyền thống của người Gia Rai
Múa nhịp điệu ngày mùa người của Mnông Gar
Múa nhịp điệu ngày mùa của người Mnông Gar
Song tấu đàn Tlăk Tlơi - một nhạc cụ đặc trưng của người Mnông để gõ đuổi chim, muông thú phá hoại mùa màng
Song tấu đàn Tlăk Tlơi - một nhạc cụ đặc trưng của người Mnông để gõ đuổi chim, muông thú phá hoại mùa màng
Trích đoạn Lễ cúng lúa của người Ê Đê
Trích đoạn Lễ cúng lúa của người Ê Đê
Tái hiện Lễ cúng rước hồn lúa về kho của người Mnông huyện Lắk
Tái hiện Lễ cúng rước hồn lúa về kho của người Mnông huyện Lắk
Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.