Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Đắk Mil - Vùng trọng điểm cây cà phê ở Đắk Nông gồng mình chống hạn

Lê Hường - 14:59, 02/04/2025

Nhiều công trình thủy lợi cạn trơ đáy, cây cà phê héo rũ, rụng lá, hoa cháy đen; người dân vùng trọng điểm cà phê Đắk Mil của tỉnh Đắk Nông đang tìm đủ cách chống chọi với hạn, cứu cây trồng.

Hồ thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cạn nước đã hơn 1 tháng
Hồ thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cạn nước đã hơn 1 tháng

Hàng loạt công trình thủy lợi cạn trơ đáy

Huyện Đắk Mil được xem là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông. Tháng 3 là thời điểm cây cà phê ra hoa, đậu quả cần nhiều nước để đảm bảo năng suất, nhưng hiện nay hàng loạt công trình thủy lợi cạn trợ đáy, ảnh hưởng hàng trăm héc ta cà phê.

Cuối tháng 3, lòng hồ thủy lợi thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cạn trơ đáy, lớp bùn đất lòng hồ nứt nẻ. 

Gia đình bà Lê Thị Liên (SN 1957) thôn Sơn Trung có 2ha cà phê xen tiêu, nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào hồ thủy lợi thôn Sơn Trung. Thế nhưng, gần 1 tháng qua hồ cạn nước, việc tưới cho cây trồng gặp muôn vàn khó khăn. Vợ chồng bà Liên canh từng giọt nước mạch rỉ ra từ lòng hồ thủy lợi. Cứ cách hai ngày, xuống hồ vét nước một lần để tưới cho cây, nhưng cũng chỉ tưới được khoảng 1 giờ đồng hồ.

Giữa cái nắng ban trưa hừng hực, bà Liên vác ống nước trên vai kéo về sau một buổi tưới, bà bảo: Hồ Sơn Trung cạn nước gần tháng nay rồi. Gia đình tôi phải mua nước từ ao chứa và giếng khoan của một số hộ dân trong vùng với giá 50 nghìn đồng mỗi giờ. Tuy nhiên, rẫy ở cách xa nguồn nước, việc tưới cũng gặp nhiều trở ngại. Tôi phải bơm chuyển nước từ nơi mua về một ao chứa của gia đình, rồi mới tiếp tục bơm lên tưới cho cây.

Tình trạng thiếu nước tưới lặp đi lặp lại nhiều năm gần đây, gia đình bà Liên múc cải tạo ao để chứa nước; năm ngoái bà còn đầu tư khoan giếng sâu 50m, nhưng nước giếng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày, không đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.

Người dân Đắk Mil thuê máy đào vét ao hồ tìm nguồn nước
Người dân Đắk Mil thuê máy đào vét ao hồ tìm nguồn nước

Hồ thủy lợi Đội 40, xã Đắk Lao cung cấp nước tưới cho khoảng 200ha cây trồng trên địa bàn xã Đắk Lao và Thuận An. Tuy nhiên, suốt một tháng nay hồ đã cạn sạch nước, trong khi nhiều hộ dân chưa kịp tưới đợt thứ 2 cho cà phê đang mùa ra bông, làm quả.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong khu vực, nguồn nước tưới 2ha cà phê của gia đình anh Tạ Duy Thông (SN 1991), trú thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil phụ thuộc vào hồ Đội 40. Cách đây nửa tháng, đơn vị thủy lợi đã điều tiết nước từ hồ Tây, thị trấn Đắk Mil về hồ Đội 40 để phục vụ tưới tiêu, nhưng chỉ được 1 ngày nước “chi viện” cũng cạn kiệt. Anh Thông cũng như một số hộ dân có rẫy gần nhau phải mua nước tới với giá 500 nghìn đồng mỗi giờ bơm.

Toàn xã Đắk Lao có 7 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, đến nay, 6 công trình đã cạn kiệt, không ít giếng khoan trên địa bàn cũng hết nước. Thời gian qua, đơn vị thủy lợi đã điều tiết nước từ Hồ Tây (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) về các hồ, đập trên địa bàn xã Đắk Lao, nhưng vẫn không đảm bảo lượng nước tưới.

Anh Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, xã có 5.000ha cây công nghiệp gồm cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Do thiếu nguồn nước tưới đã khiến cho khoảng 200ha cà phê bị ảnh hưởng và khô héo. Thời gian tới, nếu không có mưa thì sẽ có khoảng 700ha cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước nghiêm trọng.

Người dân gồng mình chống hạn

Thiếu nước tưới, hoa cà phê cháy đen, lá bắt đầu héo rũ
Thiếu nước tưới, hoa cà phê cháy đen, lá bắt đầu héo rũ

Hàng loạt công trình thủy lợi cạn khô khiến không ít người dân rơi vào cảnh khốn khổ. Họ phải tìm đủ mọi cách để có nước cứu cây trồng.

Để cứu lấy 1h sầu riêng xen canh cà phê và hồ tiêu, ông Phạm Minh Trưng (SN 1967), trú thôn 8, xã Đức Mạnh phải ngày đêm túc trực bên đập Hợp tác xã Mạnh Thắng. Ông Trưng chia sẻ: Sợ nhất là lúc hạn mà gặp phải mưa trái mùa. Bởi vì sau thời gian nắng hạn, nếu mưa đột ngột cây sẽ bị sốc nhiệt, rụng hoa, rụng quả, nên phải duy trì độ ẩm. Vì thế mà chúng tôi vét từng giọt nước, dùng máy bơm nhỏ hút từ các khe, mạch nhỏ.

Một số hộ dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm tối đa nguồn nước, nhưng ở thời điểm hiện tại giải pháp này cũng không phát huy hiệu quả. Không đành lòng nhìn vườn cây khô héo, nhiều hộ dân tại thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh thuê máy móc đá, đào hàng loạt ao tìm nguồn nước, nhưng lượng nước cũng không đáng kể.

Anh Trần Quốc Huy (SN 1991), trú thôn Đức Thành tâm sự: Gia đình tôi đào ao cách nhà khoảng 1km, với những mạch nước nhỏ, nước không nhiều chỉ tước được 2 lần là cạn, sau nhiều ngày mới có thể tưới tiếp. Điều đáng nói, chi phí rất cao, ngoài đầu tư hệ thống tưới, mỗi đợt bơm nước từ ao về rẫy, gia đình tôi mất khá nhiều tiền dầu.

Thiếu nước, hệ thống tước tiết kiệm, tự động của một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng ngưng hoạt động
Thiếu nước, hệ thống tước tiết kiệm, tự động của một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng ngưng hoạt động

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil, tình hình thời tiết mùa khô năm 2025 trên địa bàn huyện diễn biến bất lợi. Nhiệt độ bình quân dao động từ 18-33 độ C, độ ẩm không khí thấp, dòng chảy các sông suối tiếp tục giảm, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh.

Tính đến ngày 27/3, tổng dung tích nước tại các hồ, đập ước đạt khoảng hơn 42%. Hiện đã có 9 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, khai thác đã cạn kiệt nguồn nước. Nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì trên địa bàn thuyện sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt tại các xã thuộc Đắk Lao, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, Đắk R’la.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2025 trên địa bàn huyện chưa có mưa thì có khoảng 1.500 ha cây trồng sẽ thiếu hụt về nguồn nước tưới, chủ yếu là cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Để giảm bớt thiệt hại do thiếu nước, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm; chủ động trong công tác quản lý phân phối và áp dụng phương pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước,...

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Hoàn thành trên 50% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát

Gia Lai: Hoàn thành trên 50% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 30/3, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng, sửa chữa 4.289/8.485 nhà, đạt 50,55% kế hoạch.