Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đàn h’roa của người Cơ-tu

Tiên Sa - 11:09, 25/12/2019

Đồng bào dân tộc Cơ- tu ở các bản làng miền núi vùng Trường Sơn Tây Nguyên có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Để thể hiện những tâm tư, tình cảm, xúc cảm của tâm hồn, đồng bào thường mượn âm nhạc “thay lời muốn nói”. Một trong những nhạc cụ thể hiện tiếng lòng của người Cơ-tu chính là đàn h’roa hay còn gọi là abel.

Xưa kia, sau mỗi lễ hội truyền thống, nam nữ thanh niên dân tộc Cơ- tu thường vào nhà Gươl chia sẻ tâm tình và nghe đàn h’roa. Ảnh TL
Xưa kia, sau mỗi lễ hội truyền thống, nam nữ thanh niên dân tộc Cơ- tu thường vào nhà Gươl chia sẻ tâm tình và nghe đàn h’roa. Ảnh TL

Đàn h’roa là loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cơ-tu ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… (Quảng Nam) và đồng bào Cơ-tu ở vùng thấp (Cơ-tu phương) ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Thân đàn được làm bằng một ống nứa, trúc… dài 35cm, đế đàn làm bằng gỗ nối vào thân đàn. Dây đàn làm bằng dây cước, nối từ một trục gỗ (lên dây) đầu thân đàn đến đế đàn. Trên thân đàn, dưới chỗ “lên dây” có gắn 3 cục sáp ong để làm nút bấm khi chơi đàn. 

Ở điểm tiếp giáp dây đàn với đế đàn có một sợi dây mảnh, bằng dây rừng dài khoảng 60 - 70cm. Phần cuối sợi dây này nối với một chiếc vảy trút mỏng hình tròn hay bầu dục, có đường kính hơn 2cm. Ngoài các bộ phận liên kết trên thân đàn trên đây còn có một bộ phận rời là một cây tre vót nhỏ dài khoảng 30cm dùng để tác động kéo qua, kéo lại trên sợi dây đàn để tạo âm thanh. 

Đàn h’roa có thể một người hoặc hai người cùng chơi để hát đối đáp, hát lý trao đổi tâm tư tình cảm với nhau. Trong trường hợp một người sử dụng thì một tay dùng cây tre (bộ phận rời của cây đàn) kéo qua kéo lại trên dây đàn như hình thức kéo đàn nhị (đàn cò) của người Kinh; tay kia bấm vào các nốt trên thân đàn. Sự kết hợp này sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau, đồng thời miệng ngậm chiếc vảy trút để dùng lưỡi và hơi tạo nên những âm thanh như tiếng nói của người, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng trai gái tỏ tình... Trong trường hợp có hai người thì một người kéo đàn còn người kia ngậm vảy trút để “hát không hả miệng” và diễn đạt điều mình muốn nói, muốn hát với người kéo đàn. Hai người có thể thay đổi cho nhau.

Ở Quảng Nam, đồng bào Cơ-tu sử dụng đàn h’roa để thể hiện tâm tư tình cảm của bản thân hoặc giữa hai người yêu nhau. Không gian thể hiện ở trong những ngôi nhà, trên nương rẫy, ở nhà Gươl (nơi sinh hoạt của cả cộng đồng). Thông thường, đàn h’roa được sử dụng trong những giờ phút rảnh rỗi, vui chơi của hội làng, nam nữ tỏ tình, thổ lộ tình cảm riêng tư trong lòng, hoặc lời chúc mừng năm mới… 

Điểm đặc biệt của đàn h’roa là vừa sử dụng sự tác động vào dây để tạo ra những âm thanh có cung bậc khác nhau, lại vừa sử dụng hơi thổi từ miệng để chuyển tải cùng âm thanh cây đàn tạo nên sự hòa quyện giữa tiếng nhạc cùng lời ca. Ngoài ra, sự độc đáo của cây đàn này là trong trường hợp người kéo, người ca phải có sự đồng nhất, đồng cảm nhận âm thanh với nhau trong từng cung bậc.

Già làng Trương Văn Nhơi (86 tuổi) ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết, người biết chơi đàn h’roa hiện nay rất hiếm, lớp trẻ bây giờ không chịu học đàn. Người già biết chơi đàn thì lần lượt ra đi, nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc là khó tránh khỏi. Trai gái bây giờ đến với nhau không thông qua cây đàn h’roa nữa. Trường Sơn đại ngàn rất cần âm thanh của loại đàn h’roa này hòa quyện trong không gian sinh tồn của nó…

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.