Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đánh thức giá trị nhà sàn của dân tộc Mường ở Lập Thắng

Quỳnh Trâm - 18:29, 27/12/2021

Nhà sàn là kiến trúc nhà ở mang bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, Mường ở Thanh Hóa. Những năm gần đây, chủ trương gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống gắn với làm du lịch cộng đồng của chính quyền, đang được nhiều hộ đồng bào Mường ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) hưởng ứng thực hiện.

Nhiều nhà sàn ở thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, có niên đại gần 100 năm
Thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng

Bảo tồn nếp sống, văn hóa đặc trưng

Tại huyện Ngọc Lặc, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Với sự tồn tại và phát triển từ lâu đời trên vùng đất này, cộng đồng người Mường đã gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, đồng bào Mường coi trọng nhà sàn, bởi nó chứa đựng cả một không gian văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của dân tộc.

Các cụ cao niên trong làng Lập Thắng, xã Thạch Lập kể, xưa kia, khi rừng núi còn hoang vu, muông thú còn nhiều. Để sống an toàn tránh bị thú dữ đe dọa, người Mường đã nghĩ ra cách dựng nhà sàn.Tầng trên để gia chủ ở, dưới sàn dành cho gia súc. Tuy nhiên, ngày nay, để bảo đảm vệ sinh môi trường, bà con không còn nuôi gia súc dưới gầm sàn nữa, mà tận dụng làm nơi sinh hoạt của gia đình, phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình mà xây dựng nhà sàn to hay nhỏ. Thông thường mỗi nhà có 3 - 7 gian, có 2 cầu thang chính và phụ. Cầu thang chính để đón khách, còn cầu thang phụ chỉ dành cho người trong gia đình.

Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu (thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) có tuổi đời gần 100 năm
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu, thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập có tuổi đời gần 100 năm

Theo rà soát, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 1.465 nhà sàn, trong đó tập trung nhiều tại xã Thạch Lập, với 700 nhà sàn. Số còn lại phân bố quy mô nhỏ lẻ tại các cộng đồng dân cư người Mường trên địa bàn huyện.

Có dịp đến thăm xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), nhiều người sẽ ngạc nhiên và thích thú với những bản làng người Mường. Đặc biệt, ở làng Lập Thắng, đồng bào giữ nguyên được những nếp nhà sàn truyền thống, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống hiện đại. 

Như ngôi nhà sàn của gia đình chị Phạm Thị Sáu được thiết kế 2 gian, 2 chái, 2 cửa ra vào và 9 cửa sổ. Ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng, gần gũi với thiên nhiên.

Chị Sáu cho biết, chi phí để xây dựng một ngôi nhà sàn hiện nay không hề rẻ, thậm chí có thể cao hơn nhà xây thông thường. Tuy nhiên, vật liệu nhà sàn của vợ chồng chị Sáu đã được cha ông để lại nên không tốn kém nhiều.

“Chúng tôi thích ở nhà sàn, bởi cả gia đình có thể quây quần trong không gian chung. Đây không chỉ là thói quen sinh hoạt, mà còn để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc”, chị Sáu nói.

Người Mường coi trọng nhà sàn, bởi nó chứa đựng cả một không gian văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của dân tộc
Người Mường coi trọng nhà sàn, bởi nó chứa đựng không gian văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của đồng bào

Gắn với du lịch cộng đồng

Để bảo tồn và phát huy giá trị của nhà sàn người Mường, huyện Ngọc Lặc đã có chủ trương gắn nhà sàn truyền thống với du lịch cộng đồng, với quyết tâm giúp đồng bào thay đổi tư duy, biết khai thác phát triển kinh tế từ bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo đó, qua rà soát, làng Lập Thắng, xã Thạch Lập là điểm hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài những nếp nhà sàn, làng Lập Thắng còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, những dãy núi  cao, các con suối, thác nước... Cùng với đó là các nghệ thuật truyền thống như: Các trò diễn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường, hát ru, sắc bùa...

Để chuẩn bị làm du lịch cộng đồng, 10 hộ gia đình ở làng Lập Thắng được chọn tham gia mô hình thí điểm, hiện các hộ đang hoàn tất các điều kiện sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách trong thời gian tới. 

“Bà con chúng tôi rất háo hức và hồ hởi với chủ trương của chính quyền. Mong sao tới đây, khi dự án du lịch cộng đồng được khởi động, sẽ giúp bà con có thêm thu nhập, nâng cao giá trị của những ngôi nhà sàn người Mường”, anh Phạm Văn Phẩm ở làng Lập Thắng nói.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: UBND huyện Ngọc Lặc cũng đã ban hành “Đề án bảo tồn và phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025”. 

 Đề án sẽ thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các vùng đồng bào DTTS còn khó khăn của huyện.

Dự kiến đầu năm 2022, các nhà sàn sẽ đi vào hoạt động đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Huyện đang kỳ vọng Đề án sẽ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, tạo động lực cho du lịch huyện Ngọc Lặc phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).