Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đẩy lùi mảng tối trong hoạt động văn hóa

Hồng Phúc - 09:55, 21/08/2020

Những con số, vụ việc bị xử lý vi phạm trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong những năm gần đây cho thấy, việc tăng cường xử lý những vi phạm pháp luật của ngành này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, từng bước đẩy lùi những mảng tối trong hoạt động văn hóa.

Việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa đã đưa các lễ hội đi vào nền nếp. (Ảnh TL)
Việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa đã đưa các lễ hội đi vào nền nếp. (Ảnh TL)

Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) là lĩnh vực luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và truyền thông. Năm 2019, thanh tra Bộ VHTT&DL lần đầu tiên đã lập biên bản xử phạt trụ trì chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội) vì vi phạm xây dựng trái phép 2 cổng phụ tại di tích chùa Bối Khê, xâm phạm di tích quốc gia.

Chùa Bối Khê còn có hệ thống biển báo chưa phù hợp gây phản cảm; nội tự chưa được bảo đảm vệ sinh nơi thờ tự; khuôn viên chùa cho để xe đạp, xe máy bừa bãi… Đây không phải câu chuyện riêng của địa phương nào, gần đây, một ngôi chùa ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng bị “tuýt còi” vì lý do tương tự.

Theo thông tin của Bộ VHTT&DL trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 tổ chức, tổng số tiền xử phạt gần 380 triệu đồng. Trong đó, xử phạt trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với 10 tổ chức; xử phạt trong lĩnh vực du lịch đối với 4 tổ chức; xử phạt 1 tổ chức trong lĩnh vực thể thao.

Có thể thấy, cho đến nay, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực VHTT&DL đã đưa các lễ hội đi vào nền nếp, nhiều giải thể thao, các cơ sở du lịch thường xuyên được thanh tra. Những chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội; chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, biểu diễn nghệ thuật, lĩnh vực điện ảnh, thể thao, du lịch…, là những kết quả có thể nhìn thấy được.

Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa nhấn mạnh, nâng cao nhận thức xã hội có vai trò quan trọng để tạo nên chuyển biến mạnh mẽ. Bởi vậy, biểu dương những gương điển hình, phê phán những vi phạm ở từng lĩnh vực VHTT&DL đã được đặc biệt chú trọng. Thế nhưng, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật mới chính là biện pháp mạnh nhằm xây dựng môi trường lành mạnh trong các lĩnh vực VHTT&DL.

Thời gian qua, những quy định, nghị định của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTT&DL và quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan... đã được ban hành, giúp cho công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực VHTT&DL và quảng cáo được tăng cường và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Vì vậy, mới đây dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đang được Bộ VHTT&DL lấy ý kiến trong đó đã đưa ra quy định nhiều mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Trong đó, nổi bật có nhiều quy định được đưa ra nhằm chấn chỉnh nhiều vấn nạn nổi cộm trong văn hóa như: bất cập trong quản lý và tổ chức lễ hội; lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội... Đặc biệt, các hành vi phản cảm cũng được quy định xử phạt hành chính cụ thể.

Sự chấn chỉnh nghiêm túc này, được kỳ vọng sẽ tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung; đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tế, dần thanh lọc những biểu hiện không phù hợp, thiếu văn minh, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.