Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Để “điểm tựa” của bản làng ngày càng vững chắc

Ngọc Lê - 09:31, 24/01/2023

Nhiều năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn gương mẫu, tận tụy, đi đầu trong các phong trào, cùng bà con vượt qua mọi khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần làm thay đổi diện mạo các thôn bản, buôn làng, phum sóc trên mọi miền Tổ quốc. Người có uy tín được ví như “điểm tựa” của bản làng trên hành trình phát triển. Để phát huy vai trò Người có uy tín trong giai đoạn mới, chính sách Người có uy tín cũng cần có những điều chỉnh phù hợp.

Già Hmrik (thứ 2 bên phải), dân tộc Gia Rai, Người có uy tín làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku (Gia Lai) đã kiên trì tuyên truyền, vận động thành công dân làng xóa bỏ những hủ tục, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. (Ảnh: Ngọc Thu)
Già Hmrik (thứ 2 bên phải), dân tộc Gia Rai, Người có uy tín làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, Tp. Pleiku (Gia Lai) đã kiên trì tuyên truyền, vận động thành công dân làng xóa bỏ những hủ tục, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. (Ảnh: Ngọc Thu)

Cầu nối “ý Đảng với lòng dân”

Là người gắn bó với buôn làng, cùng người dân trong buôn đẩy lùi hủ tục, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, Người có uy tín Y Bhem Knul, buôn Jắt B, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) được người dân đặt niềm tin trọn vẹn.

Ông Y Bhem kể: Trước đây, đường sá trong buôn nhỏ hẹp, việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc khéo léo dân vận, kiên trì đến từng hộ để gặp phân tích, gia đình mình hiến tặng 500 m2 đất để xây nhà văn hóa cộng đồng buôn. Thấy vậy, bà con đồng tình hiến đất làm đường nên bây giờ buôn làng được bê tông hóa sạch đẹp.

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào thôn Hin Đăm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) có những chuyển biến tích cực là nhờ sự đóng góp tích cực của ông Dương Chống Lỷ - Bí thư Chi bộ, Người có uy tín. Trên cương vị của mình, ông Lỷ tiên phong gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế; vận động Nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng. Kết quả đến nay số rừng do bà con trong thôn tự trồng được trên 100 ha, góp phần tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Ông Y Bhem - ông Dương Chống Lỷ là 2 trong số gần 30.000 Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã và đang có nhiều đóng góp thiết thực đối với các phong trào ở địa phương. Họ luôn giữ vai trò đầu tàu cho mọi hoạt động trong cộng đồng DTTS, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trên khắp bản làng vùng DTTS và miền núi, Người có uy tín là gương sáng, tiêu biểu được người dân tôn kính.

Già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai dạy lớp trẻ cảm nhận cái hồn của chiêng. Ảnh: K.N.B
Già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai dạy lớp trẻ cảm nhận cái hồn của chiêng. Ảnh: K.N.B

Quan tâm, đồng hành cùng Người có uy tín

Trong giai đoạn 2011 - 2021, ngân sách Trung ương và địa phương đã bố trí hơn 500 tỷ đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín. Các địa phương đã tổ chức 6.335 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho 182.076 lượt Người có uy tín; tổ chức 1.435 cuộc tham quan học tập tại các địa phương; cấp 4 loại báo cho Người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 311.860 lượt Người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán, 46.670 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết của các DTTS…; biểu dương, khen thưởng cho 18.826 người. Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tiếp đón khoảng 300 đoàn đại biểu Người có uy tín của các tỉnh, thành phố với tổng số hơn 8.000 người…

Nhấn mạnh về vai trò của Người có uy tín, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách

Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín, trong năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS” tại các khu vực Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc… Tại các Hội thảo, nhiều Người có uy tín đã kiến nghị việc điều chỉnh chính sách để tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong giai đoạn mới như sớm có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho Người có uy tín; bổ sung các chế độ phụ cấp hằng tháng, hằng năm như tiền xăng xe đi lại, điện thoại…

Các già làng tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xã hội. (Ảnh: Thái Kim Nga)
Các già làng tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xã hội. (Ảnh: Thái Kim Nga)

Già làng Hmrik, dân tộc Gia Rai, Người có uy tín làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận động, tuyên truyền. Cùng với đó, mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho Người có uy tín, quan tâm việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đối Người có uy tín”.

Còn Người có uy tín Hồ Văn Phương, ở thôn Trại Cá, xã Tà Long (huyện Đakrông, Quảng Trị) cho biết: Tôi mong muốn, được tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn ở các tỉnh để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Những kiến nghị của đội ngũ Người có uy tín tại các hội thảo, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã lắng nghe, tiếp thu để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp để phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, bên cạnh việc hoàn thiện các chế độ chính sách, Người có uy tín ngoài việc khẳng định năng lực bản thân, uy tín với cộng đồng, thì cần phải thay đổi linh hoạt trong tuyên truyền, vận động. Các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin qua các ứng dụng nền tảng công nghệ số thông qua các nền tảng mạng xã hội để kết nối giữa Người có uy tín với cơ quan làm công tác quản lý Nhà nước về dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.