Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để văn hóa là động lực phát triển

Minh Thu - 08:33, 06/08/2024

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và đạt được một số kết quả bước đầu. Đặc biệt, với nguồn lực từ Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Quảng Nam kỳ vọng văn hóa sẽ tạo động lực cho sự phát triển của địa phương.

Chị Pơ Loong AGoóc gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã 24 năm nay.
Chị Pơ Loong AGoóc gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã 24 năm nay

Gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Quảng Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS thành chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tập trung nghiên cứu và triển khai áp dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Ông Nguyễn Thanh Hồng Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam

Suốt 24 năm qua, dưới chân dãy núi AChiết, bên lòng hồ Thuỷ điện A Vương, chị Pơ Loong AGoóc, 36 tuổi, ở thôn Z’lao, xã Dang, huyện Tây Giang vẫn ngày ngày gắn bó với chiếc khung dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ở Tây Giang, đồng bào Cơ Tu biết đến chị Pơ Loong AGoóc bởi sự khéo léo và tài năng, cùng sự đam mê, “giữ lửa” văn hóa truyền thống, thể hiện qua những tấm vải thổ cẩm truyền thống bền đẹp do chính tay chị dệt.

Không chỉ giữ nghề dệt, chị Pơ Loong AGoóc luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các chị em trong thôn về kỹ thuật dệt, luôn khuyến khích các cháu thanh thiếu niên ở trong làng học dệt mỗi khi có dịp... Từ đó, lan tỏa ngọn lửa đam mê đến cộng đồng về nghề truyền thống của dân tộc.

Cũng là một trong những người mang trong mình đam mê văn hóa DTTS, từ lâu, già Cơlâu Nhím, 76 tuổi, Người có uy tín trong đồng bào DTTS thị trấn Prao, huyện Đông Giang là nghệ nhân có khả năng chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu.

Mỗi lần xuất hiện tại sự kiện, già Cơlâu Nhím luôn đội mũ lông chim, mang bên mình chiếc khèn đính chuỗi hạt cườm do chính tay già chế tác. Mấy chục năm nay, chiếc khèn luôn vang khúc nhạc núi rừng trong hành trình phục vụ cộng đồng, du khách của già Cơlâu Nhím.

Già Cơlâu Nhím giới thiệu khèn Cơ Tu với du khách (Ảnh: Đăng Nguyên).
Già Cơlâu Nhím giới thiệu khèn Cơ Tu với du khách. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Già Cơlâu Nhím kể, hồi trước, ông cùng những người bạn thân có chung niềm đam mê đã từng đi bộ khắp bản làng vùng cao, từ Đông Giang lên Tây Giang, rồi qua A Lưới, Thừa Thiên Huế. Đi đến đâu, giao lưu nhạc cụ đến đó. Những người bạn Cơ Tu, Tà Ôi trên dãy Trường Sơn vì yêu mến tài năng của họ nên hết sức ủng hộ những cuộc phiêu lưu vừa ý nghĩa, vừa chia sẻ kinh nghiệm chế tác nhạc cụ, vừa tìm hướng bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Những kiến thức đó, bây giờ, già Cơlâu Nhím dành hết tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu, như một cách tri ân cộng đồng.

Động lực phát triển từ Chương trình MTQG 1719

Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc được các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chú trọng khôi phục và thúc đẩy phát triển. Hiện đã có một số làng nghề dệt thổ cẩm được phục hồi và gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở các thôn Đh’rôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, Zơra xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Arớt, xã A Nông, huyện Tây Giang... Từ nghề dệt thổ cẩm, các sản phẩm du lịch ra đời, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Tổ dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang.
Tổ dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang

Cùng với đó, các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… đã triển khai việc dạy và học tiếng nói chữ viết các DTTS trong cán bộ, công chức tại địa phương, hoặc sử dụng chữ viết trong một số lĩnh vực của đời sống. Các huyện Phước Sơn, Nam Trà My đã nghiên cứu, xây dựng bộ chữ viết của đồng bào các DTTS như tiếng Bhnong của dân tộc Gié Triêng, tiếng Ca Dong của dân tộc Xơ Đăng... 

Việc bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống được tỉnh Quảng Nam quan tâm và đã triển khai thực hiện bảo tồn các loại nhạc cụ; các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc do chính các già làng, Người có uy tín, nghệ nhân tại các thôn, xã thực hành và truyền dạy...

Đồng bào Xơ Đăng tỉnh Quảng Nam trong lễ hội cúng máng nước.
Đồng bào Xơ Đăng tỉnh Quảng Nam trong lễ hội cúng máng nước.

Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. 

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức 3 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các DTTS; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ Đinh tút của dân tộc Gié Triêng (nhóm Tà Riềng) trên địa bàn huyện Nam Giang. Tổ chức phục dựng, tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc Gié Triêng (nhóm Ve) tại huyện Nam Giang. Tổ chức các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào DTTS và miền núi trong toàn tỉnh; triển khai hỗ trợ mua mới tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện thụ hưởng Dự án.

Tỉnh Quảng Nam chú trọng việc bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS, gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh Quảng Nam chú trọng việc bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS, gắn với phát triển du lịch

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam: Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Quảng Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS thành chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tham mưu ban hành những chính sách mới để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, những di sản văn hoá đang có nguy cơ mai một. Đồng thời, tập trung nghiên cứu và triển khai áp dụng có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Đến nay, Sở VH,TT&DL đã tổ chức 3 lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể của các DTTS; Tổ chức các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng đồng bào DTTS và miền núi; triển khai hỗ trợ mua mới tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện thụ hưởng Dự án...

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hàng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.