Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh: Trao truyền văn hóa dân tộc Xơ Đăng

Thanh Thuận - 16:11, 20/07/2024

Nói đến nghệ thuật chơi đàn Klông pút, không thể không nhắc tới Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Từ tình yêu đặc biệt với cây đàn Klông pút, lo sợ nguy cơ “biến mất” của đàn Klông pút, NNƯT Y Sinh đã đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn những giai điệu của đại ngàn sẽ mãi lưu truyền trong đời sống người Xơ Đăng.

Cuộc sống của đồng bào DTTS ở buôn làng Tây Nguyên là chất liệu cho âm nhạc dân tộc. Ảnh minh họa
Cuộc sống của đồng bào DTTS ở buôn làng Tây Nguyên là chất liệu cho âm nhạc dân tộc. Ảnh minh họa

Niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ truyền thống

Chúng tôi gặp NNƯT Y Sinh ở khu làng của đồng bào Xơ Đăng tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) lúc bà đang say sưa chơi đàn cùng các cô gái Xơ Đăng, tạo nên bản hòa tấu giai điệu Tây Nguyên ấn tượng. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, từ nhỏ, bà đã được đắm mình trong âm thanh cồng chiêng, nhạc cụ từ tre nứa trong những lễ hội của người Xơ Đăng. Không rõ từ lúc nào, Y Sinh có niềm đam mê đặc biệt với các nhạc cụ tre, nứa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là đàn Klông pút.

Dù không biết nhạc lý nhưng Y Sinh vẫn dành thời gian tự học và chơi đàn T’rưng, đàn Klông pút điêu luyện khiến nhiều người phải trầm trồ. Y Sinh còn tìm hiểu, bắt chước người ta chế tác đàn, rồi dần trở thành nghệ nhân chế tác đàn Klông pút điêu luyện.

Đến tuổi trưởng thành, niềm đam mê đàn Klông pút vẫn luôn đeo đuổi Y Sinh. Dù bận rộn với nghề giáo viên nhưng bà vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại địa phương.

Nghệ nhân Y Sinh không chỉ chế tác mà còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre nứa
Nghệ nhân Y Sinh không chỉ chế tác mà còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre nứa

Năm 2011, khi bước sang tuổi 50, bà Y Sinh đã xin nghỉ hưu sớm để dành thời gian cho niềm đam mê nhạc cụ truyền thống. Bà bắt tay vào chế tác đàn T’rưng, đàn Klông pút. Từ đôi tay khéo léo và trình độ thẩm âm chính xác của bà, nhiều chiếc đàn T’rưng, Klông pút nguyên bản của người Xơ Đăng lần lượt ra đời, góp mặt trong các chương trình hội diễn văn nghệ từ cơ sở đến huyện, tỉnh và các thành phố lớn.

Lưu giữ thanh âm đại ngàn

NNƯT Y Sinh cho biết: “Nhắc đến tiếng đàn Klông Pút là người ta nhớ đến âm điệu dân ca không lời, vừa da diết, vừa gấp gáp, mang âm hưởng núi rừng. Đàn được phụ nữ Xơ Đăng chơi trong những đêm ở trên chòi canh rẫy từ tháng 1 đến tháng 2. Trong đêm, tiếng đàn vang xa khiến sâu bọ không dám phá hại hoa màu. Vào mùa lễ hội, người ta chơi đàn trong nhà Rông. Tiếng đàn Klông pút cũng là phương tiện thổ lộ tâm tư của một cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa có chàng trai nào vừa ý đến cầu hôn...”.

Nghệ nhân Y Sinh dạy đàn Klông pút cho những người đam mê văn hóa Xơ Đăng
Nghệ nhân Y Sinh dạy đàn Klông pút cho những người đam mê văn hóa Xơ Đăng

Theo NNƯT Y Sinh, đàn Klông Pút được làm từ 6 đến 10 ống nứa loại lớn, với độ dài, ngắn khác nhau. Trong đó, ống ngắn chừng 70 - 80cm, ống dài lên đến 150cm, đường kính từ 5 đến 8cm. Tất cả những ống này được xếp một hàng trên giá, khung hay mặt bàn, mặt đất, một đầu làm bằng, còn một đầu xếp chéo và được kết lại với nhau bằng sợi mây. Khi chơi đàn, người phụ nữ hơi khom người, khum hai bàn tay lại rồi vỗ để luồng hơi từ tay phát ra lùa vào miệng ống tạo nên âm thanh rất đặc biệt...

Ngoài ra, bà Y Sinh còn truyền dạy cách chơi đàn cho thanh niên nam, nữ tại địa phương có nhu cầu học. Sự tâm huyết của NNƯT Y Sinh như được tiếp thêm động lực từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai với nhiều chính sách hỗ trợ, giúp cho các giá trị truyền thống được bảo tồn. Người trẻ Xơ Đăng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới bản sắc văn hóa truyền thống và tìm đến NNƯT Y Sinh học cách chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.