Đưa dạy hát ta lêu và ca chôi vào buổi chào cờ hằng tuần tại một trường học ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng NgãiTheo UBND tỉnh Quảng Ngãi, kho tàng văn nghệ dân gian của người Hrê rất phong phú, trong đó nổi bật là các làn điệu ta lêu và ca chôi. Đây là loại hình diễn xướng được thể hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như lễ hội, cưới hỏi, khi làm nương rẫy, tụ họp bên bếp lửa hoặc cả khi chỉ có một mình (trừ lúc nhà có tang).
Làn điệu ta lêu thường mang tính kể chuyện, có bài bản rõ ràng; trong khi ca chôi là hình thức hát giao duyên, ứng tác tại chỗ theo kiểu đối đáp, hát nói. Nội dung thể hiện đa dạng, từ tình yêu đôi lứa, chuyện gia đình đến niềm tự hào về quê hương, đất nước... Cả hai làn điệu thường được trình diễn kết hợp với các nhạc cụ truyền thống như đàn vroac, krâu... mang âm hưởng mộc mạc, gần gũi, đậm tính bản địa.
Tỉnh Quảng Ngãi nhận định, hai làn điệu dân ca trên có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học cao, thể hiện rõ bản sắc độc đáo của người Hrê, đồng thời góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng hồ sơ di sản theo quy định, làm cơ sở đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa hát ta lêu và ca chôi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.