Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Di Linh (Lâm Đồng): Đồng bào DTTS chung sức, chung lòng xây dựng quê hương

Khánh Sơn - 06:35, 18/11/2023

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, nhiều hộ DTTS trên địa bàn huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, phong trào hiến đất, góp tài sản của người dân vùng đồng bào DTTS đã tạo nên hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Những công trình mới, con đường mới được dựng xây lên từ sự đồng lòng của Nhân dân đang nhiều lên mỗi ngày.

Xã Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng) ngày một phát triển nhờ những đóng góp không nhỏ của đồng bào DTTS.
Xã Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng) ngày một phát triển nhờ những đóng góp không nhỏ của đồng bào DTTS.

Trước đây, con đường đi qua tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chỉ rộng chừng 3m, quanh năm lầy lội khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, thời điểm hiện tại con đường đang được mở rộng hơn 13m, đấu nối ra trung tâm thị trấn khiến ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Theo ông Phạm Thành Đồng (Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Di Linh), khi mới bắt đầu triển khai tuyến đường trên, chính quyền địa phương đã rất lo lắng bởi liên quan tới việc thu hồi đất, giải phóng nhà ở và các công trình khác của hơn 100 gia đình (chủ yếu là đồng bào DTTS) trong khi kinh phí dự án còn hạn chế. Để thực hiện thành công dự án, điều quan trọng nhất là cần sự đồng thuận của người dân.

Với tinh thần không ngại khó, tổ dân vận của địa phương đã đi gõ cửa từng nhà dân để thuyết phục việc hiến đất mở rộng đường. Ban đầu, nhiều hộ không đồng ý, bởi diện tích đất họ được vận động hiến mở đường nếu quy đổi sẽ được một số tiền khá lớn.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, một số cán bộ địa phương như ông K’Gẹo, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh) và ông Nguyễn Công Lành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Di Linh Thượng 2, nơi có tuyến đường đi qua đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất phục vụ dự án.

Khi thấy cán bộ gương mẫu, dự án được công khai minh bạch, nhiều gia đình đã đồng lòng tự nguyện tháo dỡ cổng, hàng rào, sân…tại nhà mình để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Sau đó, hơn 100 hộ còn lại, không ai bảo ai, tất cả đều tự giác làm theo. Thậm chí, không ít gia đình còn tháo dỡ một phần căn nhà với giá trị hàng tỷ đồng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư mở rộng tuyến đường. Điển hình như hộ gia đình ông K’Sôm, bà Ka Dốp, ông Di Tuấn, ông K’Brờng, ông K’Bút và ông K’Sỹ.

Không chỉ ở trung tâm huyện, xã, việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh cũng đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ của bà con đồng bào DTTS địa phương.

Câu chuyện về bà Ka Thùy (trú tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) người tiên phong trong việc hiến 500m2 đất để nhà nước mở rộng đường, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS trở thành nguồn cảm hứng, tấm gương sáng để nhiều người khác học tập, noi theo. Bà Thuỳ chia sẻ: “Đất là tài sản lớn, rất quý, nhưng nếu ai cũng chỉ biết tư lợi cái trước mắt thì quê hương không thể phát triển được”.

Phong trào hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng của bà con đồng bào DTTS tại huyện Di Linh đang tạo nên hình ảnh đẹp, có sức lan toả.
Phong trào hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng của bà con đồng bào DTTS tại huyện Di Linh đang tạo nên hình ảnh đẹp, có sức lan toả.

Khó trăm bề, dân liệu cũng xong

Câu nói trên đang rất đúng khi nói về xã Gung Ré (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), vùng đất có tới gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Từ một xã khó khăn của huyện, Gung Ré đang từng ngày “thay da đổi thịt”. 

Về với Gung Ré hôm nay, điều dễ nhận thấy là tất các tuyến đường đến thôn bản, đường vào khu sản xuất đều được mở rộng, cứng hóa mặt đường để có thể đi lại bằng ô tô, xe máy. Nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng và đạt hiệu quả, bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt. Đây là kết quả đạt được trong việc thay đổi tư duy của người dân từ trông chờ ỷ lại sang tự nguyện và đối ứng.

Nói về sự đổi thay của quê hương, ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Gung Ré vui vẻ chia sẻ, thành công lớn nhất là nhận thức của bà con đã thay đổi từ trông chờ ỷ lại sang tự nguyện tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật để đổi mới phương thức sản xuất, bà con cũng đãbiết tận dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng nhà, đường giao thông, nhất là các tuyến đường đi vào rẫy, khu vực sản xuất.

Từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã tự nguyện hiến 100% đất cùng tài sản, cây cối trên đất và đối ứng hàng tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường trên địa bàn. Qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và người dân đối ứng với tỷ lệ 30-70%, các hộ dân trong xã đã thực hiện tái canh cây cà phê, tăng năng suất từ 2-2,5 tấn/ha lên 3-3,5 tấn/ha; thu nhập tăng từ 38 triệu đồng năm 2021 lên 48 triệu đồng/người/năm hiện nay…

Theo thông tin từ UBND xã Gung Ré, từ năm 2021 đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng 19 tuyến đường vào thôn bản với chiều dài 6,8 km. Trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 4,9 tỷ đồng, của người dân đóng góp 5,8 tỷ đồng và toàn bộ đất để làm đường đều do bà con tự nguyện hiến. Đặc biệt, 5 tuyến đường vào nương rẫy, khu sản xuất của người dân với chiều dài trên 15km, kinh phí thực hiện lên tới 6,9 tỷ đồng đều do người dân tự nguyện đóng góp và hiến đất. Từ năm 2022 đến nay, trong 3 thôn đồng bào DTTS có 41 hộ khó khăn nhất làm được sân bê tông và hàng rào kiên cố. Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình 10 bao xi măng, còn lại các hộ bỏ tiền và công sức để tự làm.

Hiện tại xã Gung Ré đang hoàn thiện các tiêu chí đã đạt được theo chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đưa Gung Ré đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Có thể nói, phong trào hiến đất, góp tài sản của người dân vùng đồng bào DTTS đã tạo nên hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Những công trình mới, con đường mới trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được dựng xây lên từ sự đồng lòng của Nhân dân đang nhiều lên mỗi ngày. Điều này không chỉ là động lực để địa phương phát triển mà trong lòng mỗi người dân, họ cảm thấy tự hào vì mình đã góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, khang trang hơn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Ngày 17/5, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cư M’gar lần thứ IV - năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện và 150 đại biểu chính thức đại diện cho gần 95 nghìn người đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.