Loay hoay chằng chống di sản?
Theo chị Khiếu Thị Hoài, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, trọn ngày 17.9.2020, những người làm công tác trùng tu bảo tồn ở đây đã huy động các loại rường cột gỗ chằng chống cho Chùa Cầu Hội An, cố gắng giữ nguyên công trình này. Đây là nỗ lực ứng phó của họ trước diễn biến cơn bão số 5 đang lao về đất liền, một nỗ lực nhiều người tự nhận xét: “Chủ yếu tự trấn an mình”.
Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, làm sao mà không nói “tự trấn an”, khi mọi nỗ lực trùng tu bảo tồn các hiện vật di sản ở phố cổ luôn có thể “đổ sông đổ biển” khi mùa mưa bão về.
Tính ra đã hơn 20 năm từ khi Hội An trở thành di sản văn hóa, nỗi lo các công trình di tích xuống cấp, hư hỏng không cứu vãn được, nhất là bị thiên tai uy hiếp ngày một nặng hơn.
Trước đó, chính quyền Hội An đã bao lần lên tiếng kêu cứu về các công trình nhà cổ hàng trăm tuổi đã hóa ọp ẹp dưới gió bão dữ dằn và nước lụt thâm canh. Để rồi mỗi lần tiếng nhạc báo bão vang lên từ hệ thống loa truyền thanh Hội An, cả hệ thống chính trị địa phương và mọi người dân lại hối hả tất bật lo chống đỡ, từ nhà cổ vẹo xiêu đến bờ kè sông sạt lở.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế tâm tư, chuyện chị Hoài kể chỉ là một trong vô số chuyện phổ biến ở quần thể di tích Huế. Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Hải cũng nhiều năm đối diện sự an nguy của các hiện vật di sản trước thiên tai. Dải đất miền Trung mỗi năm lại một mùa bão lũ, xứ Huế thì rất dễ ngập lụt, luôn đẩy các di tích nhà rường, nhà cổ, thành quách lăng miếu vào thế nguy nan, sập đổ không biết khi nào. Công trình Phu Văn Lâu mới đây bị sập, phải tái thiết trùng tu là một minh chứng cụ thể.
“Ẩn sau cơn tàn phá của bão, những người làm bảo tồn phải kiểm tra, lần dò lại rường mộng các công trình, mới phát hiện những nứt gãy chìm”.
Những người làm trùng tu ở phố Hội cho biết, bởi các quy định bảo tồn, họ không dám đóng một cái đinh nào vào Chùa Cầu, chỉ có thể giằng các kèo cột tạo thế trụ vững thôi, sau khi bão xong lại gỡ ra. Làm như vậy nhìn tạm ổn, nhưng với bão tố xoay vần, công trình có đứng vững không thì… chỉ có trời biết. Mà sau đó, khi gỡ ra, những va chạm cũng có thể làm công trình thêm rệu rã, càng thêm lo lắng mà thôi.
Cần những động thái mạnh mẽ!
Năm 2016, tức 16 năm tổ chức hội thảo lần thứ nhất về tìm giải pháp trùng tu Chùa Cầu, với tư cách di sản văn hóa thế giới, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thêm một hội thảo kêu cứu về công trình này. Để rồi 3 năm nữa lại đi qua, những báo cáo khoa học vẫn nằm trong ngăn kéo. Mới đây, Hội An lại được chỉ đạo nên có thêm hội thảo, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm, từ trong nước ra quốc tế, hãy góp ý cứu di sản này. Lời nói vang đi, chưa thấy ai hồi âm, chỉ có những người bảo tồn di tích lọ mọ khiêng gỗ vác tre chằng chống di sản.
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên-Huế cho biết, các công trình gỗ và xây dựng “đã cao tuổi” ở Huế cũng trong tình thế tương tự. Nhưng ai sẽ là người dám quyết định “mó tay” thật sự vào các di sản này, để có giải pháp rõ ràng?
“Rất cương quyết, vừa qua, tỉnh mới quyết định giao cho sở Văn hóa, chính quyền huyện Hương Thủy đột phá với dự án phục chế bảo toàn lại cầu ngói Thanh Toàn, một công trình cổ giá trị của Huế. Hiện tại, việc hạ giải công trình này đã xong, chúng tôi vừa họp để đưa ra các giải pháp trùng tu phần nề. Chúng tôi phải lắng nghe và cầu vay sự góp ý của người dân, từ các tổ chức khoa học và đơn vị thi công có kinh nghiệm, rồi mới dám làm. Nhưng đến nay, vẫn là dè dặt lắm” - ông Phan Thanh Hải kể như vậy.
Chỉ có thể cảm nhận, cơn bão này qua, cơn bão khác lại tới, câu hỏi của chị Hoài sẽ vẫn cứ ở đó, khắc khoải: Người thì có thể chạy đi, di sản chạy đi đâu?