Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Di sản văn hóa các DTTS với ngành công nghiệp không khói: Làng văn hóa - Sản phẩm du lịch nhiều tiềm năng (Bài 4)

Văn Hoa - 11:48, 25/11/2021

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói, thì việc xây dựng thành công các làng văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó có việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và duy trì hiệu quả các hoạt động văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút du khách.

Các hộ kinh doanh du lịch tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ kinh nghiệp đón khách du lịch
Các hộ kinh doanh du lịch tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ kinh nghiệp đón khách du lịch

Tín hiệu khả quan

Làng văn hóa du lịch bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (nằm ở trung tâm khu bảo tồn thiên nhiên Phù Luông, Thanh Hóa), được biết tới là một địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi bản sắc văn hóa Thái vẹn nguyên, từ trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà sàn truyền thống...

Anh Hà Huy Thục, 39 tuổi, dân tộc Thái ở bản Đôn cho biết, bà con ở bản Đôn tự ý thức được rằng, cần bảo tồn bản sắc văn hóa như bảo tồn các làn điệu dân ca, bài múa, mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày; giữ gìn những nếp nhà sàn truyền thống; canh tác lúa nước, trồng hoa ở hai bên đường, ở vườn nhà để làng bản đẹp hơn; không bật loa đài sau 22h đêm; phòng, chống các tệ nạn xã hội; cùng góp công, góp sức xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa… có như vậy mới thu hút được khách du lịch, mới giữ và hội tụ được bản sắc riêng có của đồng bào ở một làng văn hóa.

Ông Quách Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phấn khởi thông tin, nhờ phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mà bản Đôn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống và ruộng bậc thang, giải quyết được hơn 200 lao động. Đặc biệt, việc giữ gìn di sản và tổ chức các hoạt động từ làng văn hóa, đã giúp bà con có nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều so với nơi khác. Cụ thể  thu nhập bình quân toàn xã là 26 triệu/người/năm, thì bản Đôn, bà con thu nhập hơn 39 triệu/người/năm. Không những thế, các sản phẩm, nông sản của người dân địa phương được tiêu thụ tại chỗ, giúp cho đời sống, kinh tế, văn hóa của người dân được nâng lên rõ rệt.

Xây dựng làng văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân
Xây dựng làng văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân

Tương tự, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, với gồm 26 hộ dân tộc Mông thuộc xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang), hiện cũng là một điển hình về điểm du lịch độc đáo, khép kín, rất chuyên nghiệp, phục vụ mọi nhu cầu của khách du lịch. 

Tại đây, du khách được trải nghiệm đầy đủ không gian văn hóa dân tộc Mông như: nghề thêu dệt, ẩm thực, kiến trúc nhà truyền thống với mái ngói âm dương độc đáo, các chương trình văn hóa, văn nghệ…Đặc biệt, Ban quản lý Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, còn thường xuyên mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch; đào tạo giao tiếp tiếng Anh cơ bản cho các hộ kinh doanh và người dân địa phương để nâng cao kiến thức phục vụ khách du lịch tốt hơn.

 Với cách tổ chức này, vào thời điểm chưa xảy ra dịch covid-19, làng văn hóa thu hút vài chục nghìn lượt khách tới Làng mỗi năm; trong đó, lượng khách du lịch là người nước ngoài đến trải nghiệm nhiều

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng đang nổi lên với sức hấp dẫn du khách trong nước và khách du lịch quốc tế khi đến địa phương, được "sống" với đồng bào trong các bản làng văn hóa đặc trưng cho các DTTS. Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Những năm gần đây, huyện đang tập trung vào phát triển mô hình làng văn hoá - du lịch có sự hài hoà giữa văn hoá với không gian, các Tour du lịch tham quan toàn bộ cảnh đẹp thiên nhiên, lễ hội của huyện. Từ đó, huyện Bình Liêu đã giữ gìn được các di sản văn hoá dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống từ những nét đẹp truyền thống của chính dân tộc mình.

Nhân rộng các mô hình làng văn hóa

Từ thực tế, những năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống với khai thác phát triển du lịch. Trong hoạt động, các làng văn hoá, bản bản có liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, từ khâu cung ứng nông sản, các sản vật địa phương, đến trưng bày và bán các sản phẩm; liên kết chia sẻ nguồn khách lưu trú (san sẻ khách tới các hộ khác khi hết chỗ); cùng nhau bảo tồn bản sắc văn hóa như khôi phục nghề truyền thống, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các làn điệu dân ca, dân vũ; giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan… 

Theo đó, làng văn hóa thêm đẹp hơn, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn thu hút khách du lịch. Đặc biệt, những năm gần đây, việc xây dựng làng văn hóa được gắn với chương trình xây dựng NTM, nhờ đó đã nâng cao tiêu chí thụ hưởng văn hóa, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tổng số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 là 3.434 xã. Trong đó, xã khu vực I là 1673 xã (tăng 358 xã so với giai đoạn 2016-2020); xã khu vực III là 1551 xã (giảm 406 xã so với giai đoạn 2016-2020); tổng số thôn ĐBKK là 13.222 thôn, giảm 6954 thôn so với giai đoạn 2016-2020. Kết quả này có vai trò hoạt động, đóng góp tích cực từ xây dựng bản, làng văn hóa gắn với xây dựng NTM.

Phụ nữ DTTS cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa
Phụ nữ DTTS cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa

Việc xây dựng làng văn hóa với việc bảo tồn, khai thác tiềm năng bài bản, phục vụ cho ngành công nghiệp "không khói" đang có những dấu hiệu tích cực. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế chính sách để nâng cao hơn nữa chất lượng làng văn hóa, các mô hình làng văn hoá cộng đồng. 

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, ở địa bàn vùng DTTS và miền núi, tiềm năng này còn bỏ ngỏ do nguồn lực đầu tư hạn chế, nhất là việc thiếu kinh phí hỗ trợ, phát triển các hoạt động ban đầu; thiếu lực lượng nòng cốt trong phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng do cuộc sống đồng bào còn vất vả mưu sinh. Bên cạnh đó, do hoạt động liên kết tua, tuyến, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước chưa thực sự phát triển nên khách du lịch đến các địa phương, chủ yếu là khách tự do, số lượng không ổn định, không thường xuyên. 

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường ở nhiều điểm du lịch, làng văn hóa cũng chưa đảm bảo; việc cải tạo, nâng cấp cảnh quan khuôn viên nhà homestay chưa đồng bộ. Người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong cải tạo lại nhà cửa; chưa mạnh dạn mua sắm trang thiết bị để phục vụ đoàn khách du lịch; hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch chưa đa dạng; đội văn nghệ dân gian ở làng văn hóa hoạt động chưa thực sự hiệu quả...

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 có Dự án 6, về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, trong đó nhiều nội dung về công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, về các mô hình văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa, đặc biệt là “hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS”…

 Dự kiến nguồn vốn thực hiện Dự án là 5.984,059 tỷ đồng. Khi Dự án được triển khai, các làng văn hóa sẽ có thêm nguồn lực để phát triển, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân và thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.