Bản làng miền Tây Nghệ An ngày càng đổi mới, có dấu ấn không nhỏ của đội ngũ Người có uy tínChúng tôi đã nhiều lần rong ruổi trên các bản làng miền núi xứ Nghệ. Khi thì ở vùng biên Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn xa lơ xa lắc; khi lại vượt lòng hồ Bản Vẽ để đến với những bản làng “biệt lập” ở Tương Dương… Mỗi một chuyến đi là thêm một lần gặp gỡ những con người, cảm nhận thêm về vùng đất; để nhận thấy những đổi thay, phát triển không ngừng nghỉ.
Dẫu rằng, những khó khăn do địa bàn cách trở, xa xôi, tỷ lệ hộ nghèo hãy còn cao… Nhưng nhìn tổng thể thì thấy rằng, bức tranh miền núi Nghệ An đang được cải thiện đáng kể.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Nghệ An đã bình chọn được 6.858 lượt Người có uy tín tại các thôn, bản trong toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 926 Người có uy tín; các chế độ chính sách cho Người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 34 triệu đồng/năm. Còn tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, từ 17,24% năm 2021, hiện còn 12,48% năm 2024. Bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy tốt. Các tập tục cũ dần được bãi bỏ; an ninh biên giới, an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào đồng thuận, đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế…
Đó là điều rất mừng. Niềm vui ấy, không đến ngay trong một sớm, một chiều, mà bền bỉ, thẩm thấu… theo những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người dân.
Trong niềm vui lớn về những đổi thay của cuộc sống vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An hôm nay, chúng tôi chú ý nhiều hơn, muốn nói nhiều hơn đến những “quần chúng đặc biệt”. Họ là đội ngũ Người có uy tín, là “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước đến tận mỗi bản làng, mỗi người dân.
Hôm gặp chúng tôi tại tư gia ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, hỏi chuyện vận động bà con phát triển kinh tế, đến gìn giữ bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, Người có uy tín Kha Văn Nghệ như dốc bầu tâm sự: “Trong bản, trong xã thì ta biết, bà con biết cả rồi. Muốn thay đổi thì phải đi xa thôi, đi xa hơn thì mới biết điều hay, điều tốt. Riêng ta thì từ đó mà vận động mọi người học theo và làm theo chứ”.
Người có uy tín Kha Văn Nghệ (thứ 2 từ phải qua) ở bản Yên Hòa, xã Mỹ LýKể ra thì đúng quá rồi. Cảm hứng thường đến từ những điều mới mẻ. Trong cái mới mẻ ấy, cộng thêm sự hiệu quả, thiết thực, dễ thực hiện thì còn gì bằng.
Đơn giản thôi. Ngay mấy căn nhà làm homestay ở bản Yên Hòa để đón những vị khách về với vùng đất giáp biên thăm thú cảnh sắc, chiêm bái tháp cổ, cũng là từ học theo, “làm theo nơi khác đấy. Cũng mới bắt đầu thôi, nhưng là sự thay đổi của nhận thức mà”, ông Nghệ kể vậy rồi tiếp: “Ồ, ta và Ban Cán sự bản vận động mãi, hướng dẫn cụ thể… thì bà con mới làm đấy. Cũng vất vả lắm”.
Mới đây, khi về thăm xã tái định cư Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, chúng tôi đã có nhiều thời gian để tâm sự cùng Người có uy tín Lương Văn Thuyết. Bao câu chuyện trên nương, trên rẫy cứ thế ùa về trong từng lời kể của cụ Thuyết. Nhưng chúng tôi cứ thích cái cách cụ kể về những ngày rời bản, vượt núi theo đoàn công tác của huyện, của tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc.
Cụ bảo: Cũng ở vùng miền núi, điều kiện hãy còn khó khăn, nhưng người dân nơi ấy họ đã tận dụng lợi thế vùng đất để làm du lịch cộng đồng, làm các homestay đón khách… Ở bản ta, không thuận lợi điều ấy, nhưng có thể xây dựng được những mô hình kinh tế vườn đồi rất hiệu quả. Khi tham quan, tìm hiểu, ta thường chú ý đến điều này để nhận biết cách làm. Từ đó rồi về tuyên truyền, vận động bà con làm theo.
Người có uy tín Lương Văn Thuyết (bìa phải) vận động bà con bản Mà phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống no ấmCâu chuyện của những Người có uy tín tận tâm, trách nhiệm với việc làng việc bản cứ thế nối dài như không ngơi nghỉ. Được giao trọng trách, được bà con tin tưởng… những Người có uy tín đã không phụ lòng, mà phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng để đáp ứng hơn công tác tuyên truyền, vận động.
Từ những kiến thức vốn có, nhiều mô hình hay, nhiều gương người tốt, nhiều cách làm hiệu quả… đã được chính Người có uy tín thực hành rồi “truyền miệng” lại cho bà con dân bản, sau những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Hỏi chuyện Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Nghệ An Vi Văn Sơn được biết, việc tăng cường kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ Người có uy tín rất được địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ. Ông Sơn dẫn chứng, năm 2024, cấp tỉnh đã tổ chức 7 đoàn với hơn 235 đại biểu Người có uy tín đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, còn cấp huyện cũng có đến hàng chục đoàn như vậy. Chúng tôi cũng được biết, ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm, các cấp ở Nghệ An cũng đã tổ chức gần 120 lớp tập huấn, cung cấp thông tin cho hàng ngàn lượt Người có uy tín.