Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Diện mạo mới ở xã bãi ngang Phước Hải

Sơn Ngọc - 11:54, 22/06/2021

Trở lại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) khi nông dân vừa thu hoạch xong vụ Đông - Xuân, phấn khởi ra đồng sản xuất vụ Hè Thu. Nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên diện mạo mới trong đời sống dân cư nông thôn vùng bãi ngang ven biển.

Đồng bào Chăm thôn Thành Tín trồng măng tây xanh cho thu nhập cao
Đồng bào Chăm thôn Thành Tín trồng măng tây xanh, cho thu nhập cao.

Huy động các nguồn lực xóa đói giảm nghèo

Anh Nguyễn An Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết, toàn xã Phước Hải hiện có 3.434 hộ với trên 15.653 người dân sinh sống tập trung ở 4 thôn là Từ Tâm 1, Từ Tâm 2, Hòa Thủy và Thành Tín. Địa phương vừa thu hoạch xong vụ Đông-Xuân với diện tích 709 ha cây trồng, giá nông sản ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho bà con tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu với diện tích 688 ha và chăm sóc đàn gia súc trên 13.000 con.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Phước Hải huy động tổng các nguồn lực đầu tư xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình. Trong đó, có 5 tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, phát triển vùng rau an toàn với diện tích trên 100 ha; hỗ trợ 64 con bò trị giá 750 triệu đồng cho 40 hộ nghèo chăn nuôi vỗ béo; mở 10 lớp đào tạo nghề cho 325 lao động nông thôn có việc làm ổn định.

Nông dân thôn Hòa Thủy (xã Phước Hải) thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nông dân thôn Hòa Thủy (xã Phước Hải) thực hiện hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả đã tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống hộ nghèo trên địa bàn xã. Xã đã huy động các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp trên 70 tỷ đồng, đầu tư phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm, kiên cố hóa kênh mương, tạo nên diện mạo nông thôn vùng bãi ngang ngày càng khởi sắc. 

Nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng NTM, xã Phước Hải đã nâng mức thu nhập bình quân từ 23 triệu đồng năm 1996 lên 42 triệu đồng vào năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,9% xuống còn 5,3% theo chuẩn mới… Cuối năm 2019, xã Phước Hải đã chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Khởi sắc nông thôn mới

Xã Phước Hải có thôn Thành Tín là vùng đồng bào dân tộc Chăm với 1.013 hộ, trên 5.400 nhân khẩu, bà con ở đây có cuộc sống khấm khá nhờ trồng măng tây xanh kết hợp canh tác ruộng lúa và chăn nuôi gia súc. Thành Tín được Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước công nhận thôn đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020. 

Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (HTX Châu Rế) cho biết, đơn vị trồng mới 20 ha măng tây xanh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hút 83 hộ thành viên là đồng bào Chăm thôn Thành Tín tham gia. Tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng đầu ra cho sản phẩm cây măng tây xanh vẫn ổn định với giá 45-50 ngàn đồng/kg. Nhờ đó đã góp phần bảo đảm cuộc sống cho các hộ thành viên trong HTX. Hiện nay, làng Chăm Thành Tín chỉ còn 57 hộ nghèo, chủ yếu do già yếu neo đơn, mất sức lao động.

Bà con người Chăm thôn Thành Tín thu hoạch măng tây xanh
Bà con người Chăm thôn Thành Tín thu hoạch măng tây xanh

Chủ tịch UBND xã Phước Hải - Nguyễn An Hòa cho biết, trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện các giải pháp giúp các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Phước Hải tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như măng tây xanh, rau an toàn, nuôi bò vỗ béo, nuôi dông trên cát, liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách; thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm nhằm từng bước cải thiện đời sống cho người dân. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 nâng thu nhập bình quân lên 50 triệu đồng/người; giảm hộ nghèo xuống còn dưới 4%. Huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia xây dựng địa phương đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM nâng cao.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.