Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo trang phục Chăm H’roi

THÀNH NHÂN - 10:07, 02/10/2019

Ở Phú Yên hiện nay, mặc dù thế hệ trẻ người Chăm (nhóm Chăm H’roi) đã có điều kiện tiếp xúc với những trang phục hiện đại, phổ thông, nhưng trang phục truyền thống vẫn luôn có sức sống bền vững trong tâm thức cộng đồng.

Trang phục truyền thống của người Chăm (nhóm Chăm H’roi) luôn có sức sống bền vững trong tâm thức cộng đồng.
Trang phục truyền thống của người Chăm (nhóm Chăm H’roi) luôn có sức sống bền vững trong tâm thức cộng đồng.

Bà Lê Thị Như Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết: “Đồng bào Chăm ở tỉnh Phú Yên sinh sống tập trung nhiều nhất ở hai huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân. Với một truyền thống văn hóa được hình thành từ lâu đời, trong đó có trang phục. Trang phục của người Chăm H’roi mang nét duyên vừa kín đáo, vừa quyến rũ lạ thường”.

Người Chăm H’roi theo mẫu hệ. Trang phục truyền thống của người phụ nữ là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của phụ nữ Chăm gồm áo, chân váy bsimbay và khăn co đội đầu.

Áo của các cô gái Chăm mặc trong lễ hội chỉ là tấm vải thô, trắng trơn, dài ngang gối, không trang trí hoa văn, cổ tròn, tay dài, có hoặc không có khuy cài cúc theo kiểu chui đầu. Cùng với đó là dây thắt lưng bắt chéo qua vai được trang trí nhiều họa tiết hoa văn đặc sắc, màu chủ đạo luôn là đỏ tươi và vàng óng. Để tạo nét quyến rũ, phụ nữ Chăm thường chọn khăn đội đầu để tô thêm sắc thái hài hòa. 

Còn đàn ông Chăm thường mặc quần màu trắng, kết hợp với áo gom màu đen, tay ngắn, xẻ nách hai bên, có hoặc không có cúc, cột hai dây màu đỏ trước và sau ngực. Từ đường chỉ đỏ cột vào những sợi dây cườm màu xanh, đỏ, trắng thả xuống gấu áo và mỗi dây cột một đồng xu.

Nói đến trang phục truyền thống của đồng bào Chăm, không thể không kể đến nét đặc trưng của bộ trang phục cưới. Trong ngày cưới, cô dâu được trang điểm lộng lẫy và khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt như vàng, hồng, đỏ… Tóc cô dâu Chăm được cài hoa, trâm cài đầu, tai thì đeo trang sức. Còn chú rể Chăm thường quấn khăn nhiễu trên đầu, buộc dây ở thắt lưng. Đặc biệt, chú rể Chăm luôn giắt chiếc lược đồi mồi trên đầu. 

Trước nguy cơ biến mất trang phục truyền thống của một số DTTS, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đề án hướng tới việc, đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, kiểm kê, lập danh mục bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống tại các huyện có đồng bào DTTS...

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Để thực hiện hiệu quả Đề án, các cơ quan, đơn vị liên quan cần triển khai các nhiệm vụ đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả; đồng thời kết hợp lồng ghép các nhiệm vụ của kế hoạch với các nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương, đơn vị”.

Trước nguy cơ biến mất trang phục truyền thống của một số DTTS, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đề án hướng tới việc, đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.