Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đón Tết cùng đồng bào Mông ở Tà Số

Thuỳ Anh - 09:37, 04/01/2023

Khi hoa mận, hoa mơ nở khắp núi đồi Tây Bắc, những ngôi nhà gỗ của người Mông đang hồng bếp lửa, những chàng trai người Mông cùng nhau giã bánh dày, những cô gái người Mông chuẩn bị váy áo xúng xính, người trẻ dọn nhà, người già thắp hương… Tết Cổ truyền đặc sắc của người Mông trong sự đủ đầy đã góp phần tạo nên mùa Xuân tươi đẹp trên mọi miền Tổ quốc.

Du khách tham gia chơi những trò chơi dân gian cùng đồng bào địa phương như ném pao hoặc đánh tù lu vào những dịp cuối tuần
Du khách tham gia chơi những trò chơi dân gian cùng đồng bào địa phương như ném pao hoặc đánh tù lu vào những dịp cuối tuần

Chuẩn bị cho ngày Tết

Chúng tôi đến thăm bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) khi hoa mận, hoa mơ nở rộ trên những rẻo cao, đây cũng là thời điểm những gia đình người Mông đang rộn ràng chuẩn bị đón năm mới.Ghé thăm gia đình anh Mùa A Lu (nguyên Trưởng bản Tà Số 1) khi vợ chồng anh đang sắp mâm cơm cúng. “Hôm nay là 30 Tết, tất cả công việc dọn nhà, dán giấy tiền vàng, quét bồ hóng trong bếp, giã bánh giầy, mổ lợn, mổ gà chúng tôi phải hoàn thiện xong trước khi trời tối để làm lễ cúng “ma nhà ma cửa” và mời ông bà tổ tiên về ăn Tết”, anh Lu chia sẻ.

Tết Cổ truyền của người Mông kéo dài, tính từ mùng 1 tháng Chạp hằng năm. Lễ cúng của đồng bào Mông ở bản Tà Số gồm 2 mâm cúng vào chiều 30 Tết, từ ngày hôm sau chỉ thắp hương. Mâm cơm cúng đầu tiên dành cho “ma nhà ma cửa”, gồm một con gà luộc (gà trống đã biết gáy – PV), 4 chén rượu, 1 bát cơm trắng và 1 nắm muối. Mâm cơm cúng thứ hai, họ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với một bát cơm, một bát canh thịt gà (gà mái đã biết đẻ trứng – PV); toàn bộ 2 đôi chân gà và đầu gà được để lại và nhờ những người già có nhiều kinh nghiệm đến xem và chúc họ năm mới tốt đẹp hơn.

Bánh giầy là món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ đãi khách ngày Tết của đồng bào Mông
Bánh giầy là món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ đãi khách ngày Tết của đồng bào Mông

Kinh tế người Mông xưa nay chủ yếu từ nông nghiệp, cho nên trong thờ cúng lễ Tết, họ không quên cúng dụng cụ lao động và bếp lửa chính của gia đình. Ngoài ra tất cả những cánh cửa, chuồng nuôi gia súc, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy, xe đạp… của gia đình đều được dán một tờ giấy tiền vàng màu đỏ, để thể hiện sự biết ơn và cầu những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới.

Người Mông chăm chỉ lao động cả năm, họ chỉ dành ra những ngày đầu năm để ăn Tết, nhà nào nhà nấy đều có một đàn gà, mổ một con lợn nuôi trên dưới 1 tạ, giã hàng trăm cái bánh giầy từ gạo nếp nương để ăn Tết.

Chị Tráng Thị Dớ, chủ homestay A Lu chuẩn bị mâm cơm đãi khách đến chúc Tết
Chị Tráng Thị Dớ, chủ homestay A Lu chuẩn bị mâm cơm đãi khách đến chúc Tết

Những điều kiêng kỵ và chơi Tết

Theo phong tục của người Mông, có nhiều điều không nên làm trong 3 ngày Tết và giêng để có được “zoong” cả năm (zoong đọc gần như chữ dông, tiếng Mông có nghĩa là tốt – PV).

“Người Mông quan niệm rằng, khách đến chúc Tết ăn cơm và uống rượu cùng gia đình là cách chúc cho gia đình được “zoong” cả năm. Người Mông mình sợ nghèo khổ, nên trong 3 ngày Tết chỉ ăn thịt, với quan niệm rằng cả năm ngày nào cũng có thịt ăn, nếu ăn rau thì cả năm sẽ chỉ ăn rau”, ông Mùa A Dính, Người có uy tín bản Tà Số 2 nói.

Theo chân những người đại diện các gia đình, dòng họ Mùa ở bản, chúng tôi tham dự lễ “Tùa khấu” lúc 10 giờ đêm. Lễ cúng này được thực hiện với một mẹt đỗ, một con gà trống bên chậu than củi họ vừa hát vừa đốt lá “chân gà” hái trong rừng về. Họ quan niệm, tiếng lách tách từ lá “chân gà” cháy phát ra, giống như tiếng pháo xóa đi những điều xấu. Lễ “Tùa khấu” là lễ cúng quan trọng nhất của mỗi dòng họ, được thực hiện vào đêm mùng 1 Tết và kéo dài đến sáng ngày hôm sau, khi trời sáng họ sẽ mang con gà thả ở một ngã ba thật xa bản làng.

Sau 3 ngày kiêng kỵ, người Mông bắt đầu đi chơi Xuân với Hội thi Văn nghệ và đá bóng, đặc biệt là hội thi các trò chơi dân gian không thể thiếu như ném “pao”, đánh “tù lu”.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ, “Không khí Tết của người Mông ở bản Tà Số rất văn hóa, rất đặc sắc. Những giá trị văn hóa này đang được tỉnh quan tâm phát huy, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới đông đảo bạn bè du khách những giá trị văn hóa hết sức đặc sắc này nhằm vừa bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch”.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.