Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đồng bào Si La trên hành trình phát triển: Bản nghèo khởi sắc (Bài 1)

H. Minh - Th. Hồng - 10:42, 07/10/2020

Trong những năm qua, từ sự đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) giai đoạn 2005 - 2010 và 2016 - 2025, đời sống của người Si La ở bản Nậm Sin đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, để giúp người dân có sinh kế ổn định, thoát nghèo và phát triển bền vững còn nhiều việc phải giải quyết.

Một lớp học trong Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 2, xã Chung Chải.
Một lớp học trong Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 2, xã Chung Chải.


Với nhiều nguồn lực đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế… đời sống của đồng bào dân tộc Si La ở Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đang từng bước ổn định, phát triển.

“Ánh sáng” về bản

Bản Nậm Sin, xã Chung Chải nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé (Điện Biên) gần 40km. Đây là nơi cư trú duy nhất của 50 hộ, với 223 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Do cư trú tại địa bàn khó khăn về giao thông, trình độ sản xuất lạc hậu nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, người Si La ở Nậm Sin sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, kinh tế mang tính tự cung tự cấp với phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dân bản quanh năm. Một thời gian dài, tỷ lệ hộ nghèo của bản luôn là con số 100%, thu nhập bình quân người Si La ở bản Nậm Sin chưa đến 100.000 đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, từ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; nguồn lực đầu tư từ Dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2005 - 2010”, bản Nậm Sin đã có bước phát triển đáng kể. Đặc biệt từ năm 2009, bản Nậm Sin đã có điện lưới quốc gia làm thay đổi cơ bản cuộc sống, truyền thống canh tác sản xuất của đồng bào.

Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Hù Chà Thái, Người có uy tín của bản Nậm Sin tâm sự: Mấy năm nay, đời sống người dân đã ổn định hơn trước. Người dân có điện thắp sáng, có máy xát lúa gạo thay giã gạo thủ công, được xem Tivi để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đời sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, không còn khổ như trước đây nữa.

“Trước đây, bà con dân bản chủ yếu sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Giờ bà con được hỗ trợ làm nhà ở khang trang, kiên cố, chúng tôi rất mừng”, ông Thái vui vẻ nói.

Thực hiện Dự án với kinh phí gần 20 tỷ đồng, bản Nậm Sin được đầu tư mở rộng đường giao thông. Cùng với đó, công trình nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh với hệ thống 7 bể chứa có tổng dung tích 10m3/bể; công trình thủy lợi có năng lực tưới tiêu cho hơn 10ha với hệ thống kênh mương khép kín...

Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học - kỹ thuật và chăm sóc sức khỏe nên nhận thức của người dân đã được nâng cao. Con em trong bản được đến trường học hành đầy đủ. Nhiều tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ.

Hiện nay, bản Nậm Sin đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Con em dân tộc Si La đã kết hôn với các dân tộc khác ở trong vùng. Tỷ lệ dân số của người Si La đã được cải thiện đáng kể. Nếu như vào thời điểm năm 2004, bản có 35 hộ dân với hơn 170 khẩu, thì hiện nay dân số của bản đã tăng lên 50 hộ với 223 nhân khẩu.

Từng bước ổn định cuộc sống

Anh Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin phấn khởi thông tin: Được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất những năm qua đời sống người dân cơ bản không còn thiếu đói. Không còn tình trạng di cư tự phát, phá rừng, người dân đã từng bước ổn định sản xuất, mỗi năm trồng được hai vụ lúa nước, bà con biết chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển sản xuất.

Theo thống kê của UBND xã Chung Chải, hiện nay tổng diện tích đất nông nghiệp của bản khoảng 35ha trong đó có 20ha lúa nước, 1,2ha diện tích ao cá… Nhờ được tập huấn những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, phòng, chống các dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, sản lượng lương thực bình quân đầu người của bản đạt trên 360kg/người/năm. Dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 80% theo tỷ lệ nghèo đa chiều. Nhiều hộ gia đình dựng lại nhà gỗ chắc chắn, mua sắm được Tivi, xe máy…

Anh Lỳ Pí Chờ, người dân trong bản vui vẻ nói: Năm nay, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi và hỗ trợ 2 con lợn giống, gia đình rất phấn khởi. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt đàn lợn để phát triển kinh tế.

Sau gần 10 năm triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào Si La ở Nậm Sin đã an cư, con em dân tộc được đến trường đầy đủ theo học con chữ. Song để cuộc sống của người dân phát triển bền vững, vẫn cần chính sách đặc thù, đầu tư bền vững; đặc biệt là giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình để vực dậy bản nghèo.