Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đồng bào Si La trên hành trình phát triển: Còn đó những khó khăn ( Bài 2 )

H.Minh - T.Hồng - 10:35, 09/10/2020

Ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do đặc thù địa lý, thổ nhưỡng, thiên tai khắc nghiệt nên nhiều công trình cơ sở hạ tầng đang xuống cấp; việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật (KHKT) áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi của nhiều hộ dân tộc Si La vẫn còn hạn chế, khiến cho con đường thoát nghèo, phát triển bền vững của đồng bào vẫn còn nhiều gian nan…

Đường vào bản Nậm Sin đã bị xuống cấp trầm trọng.
Đường vào bản Nậm Sin đã bị xuống cấp trầm trọng.

Gian nan con đường tới bản

Giao thông thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển. Bản Nậm Sin chỉ cách trung tâm xã Chung Chải hơn 10km, tuy nhiên, con đường vào bản lại vô cùng khó khăn. Những cơn mưa rừng cuối Hè tầm tã như trút nước khiến con đường vào bản càng gian nan hơn. Ngồi sau tay lái “lụa” của các chiến sĩ Biên phòng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nhưng có những đoạn trơn trượt, sình lầy, chúng tôi phải xuống dắt xe, lội bùn mới vào được đến bản.

Ông Lỳ Đồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Dự án giao thông từ Quốc lộ 4H đến bản Nậm Sin nằm trong Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Si La giai đoạn 2005 - 2010. Nhưng giai đoạn này chỉ được rải đá cấp phối, nên đang bị xuống cấp trầm trọng, trời mưa thì trơn trượt, nhiều đoạn bị sạt lở cản trở giao thông đi lại của người dân, các phương tiện giao thông không đi lại được.

Để giải quyết thực tế này, Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Si La giai đoạn 2016 - 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, được UBND tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện từ ngày 22/3/2019. Giai đoạn I, dự án giao thông từ Quốc lộ 4H đến bản Nậm Sin dài trên 9,3km được đầu tư, gồm các hạng mục như, nâng cấp nền, mặt đường, công trình thoát nước, công trình phòng hộ… với tổng vốn đầu tư 46,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay do còn vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý xây dựng đường giao thông, nên Dự án vẫn chưa thể triển khai như kế hoạch.

Cuộc sống của đồng bào Si La ở Nậm Sin vẫn còn nhiều khó khăn do sinh kế chưa ổn định
Cuộc sống của đồng bào Si La ở Nậm Sin vẫn còn nhiều khó khăn do sinh kế chưa ổn định

Vẫn là bài toán sinh kế

Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Si La giai đoạn 2016 - 2025 được tỉnh Điện Biên phê duyệt thực hiện từ năm 2019, với nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào. Mục tiêu của Đề án là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, khôi phục bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa bản sắc truyền thống; hỗ trợ củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt chính sách xã hội để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Si La.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, từ Đề án này, tính đến tháng 9/2020, tỉnh đã hỗ trợ cho 48 hộ dân tộc Si La bản Nậm Sin phát triển sản xuất, mua lợn giống, kinh phí thực hiện là 552 triệu đồng; hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ phục dựng bảo tồn lễ hội truyền thống… với kinh phí 955 triệu đồng.

Mặc dù được hỗ trợ để phát triển sản xuất, nhưng do điều kiện khí hậu không phù hợp; khả năng tiếp cận KHKT chăm sóc cây trồng, vật nuôi của đồng bào còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ, đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND xã Chung Chải Lỳ Đồng Tá, ngoài những yếu tố nêu trên thì, có một bộ phận bà con còn trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên ý thức vươn lên thoát nghèo chưa cao. Hiện nay, thu nhập của người dân vẫn còn thấp, chỉ 3 - 4 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, con em đồng bào Si La được đến trường đầy đủ, đã có nhiều em theo học các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em được cử đi học theo diện cử tuyển, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường chưa bố trí được việc làm, bị thất nghiệp nên khó khuyến khích con em đồng bào tiếp tục theo học.

“Đồng bào Si La mong muốn, Nhà nước có cơ chế đặc thù để con em dân tộc Si La sau khi tốt nghiệp các trường nghề, trường đại học được bố trí việc làm. Có như vậy chúng tôi mới khuyến khích con em tiếp tục theo đuổi con chữ, có việc làm ổn định, nâng cao nhận thức để phát triển KT-XH của bản làng”, ông Hù Chà Thái, Người có uy tín bản Nậm Sin bộc bạch.

Từ thực tế cho thấy, để bảo vệ và phát triển đồng bào dân tộc Si La trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngoài chính sách chung dành cho đồng bào các DTTS, Nhà nước đã có cơ chế chính sách riêng. Tuy nhiên, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, giúp người dân có sinh kế ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no của chính đồng bào. 


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.