Nghệ nhân dân gian Chăm biểu diễn nhạc cụ truyền thống phục vụ du khách tại Tháp Bà Pô Nagar Nha TrangTrước khi sáp nhập, tỉnh Ninh Thuận có 19.592 hộ với 90.207 nhân khẩu là đồng bào Chăm, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã của 6 huyện, thành phố.
Sau sáp nhập, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mới, đồng bào Chăm sinh sống tại 7 xã: Ninh Phước, Phước Hậu, Phước Hữu, Thuận Nam, Phước Dinh, Xuân Hải, Ninh Hải và 2 phường Bảo An, Đô Vinh. Những năm qua, đồng bào Chăm đã tích cực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc qua kiến trúc đền tháp, lễ hội, nghề gốm, dệt thổ cẩm, dân ca dân vũ, nhạc cụ dân gian, chữ viết, sử thi... Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm” để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Thạc sĩ Lê Xuân Lợi, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Dân tộc và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận cho biết: Địa phương hiện có 80 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ và xếp hạng, trong đó có một di sản được UNESCO ghi danh là “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
2 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai. Ngoài ra, tháp Pô Rômê cũng được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia. Trong kho tàng văn hóa phi vật thể, Lễ hội Katê và nghi lễ đầu năm của người Chăm ở Bỉnh Nghĩa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào Chăm còn tự hào khi có 4 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Pô Rômê (thờ tại tháp Pô Rômê), tượng Pô Klong Garai (thờ tại tháp Pô Klong Garai), bia Hòa Lai và bia Phước Thiện (được trưng bày tại Bảo tàng Ninh Thuận, phục vụ khách tham quan và nghiên cứu).
Các đền tháp, làng nghề và lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu và mua sắm sản phẩm thủ công truyền thống.
Di tích tháp Pô Klong Garai là một trong những điểm đến tiêu biểu, đã đón khoảng 180.000 lượt khách trong 6 tháng, mang lại doanh thu ước tính 3,6 tỷ đồng. Làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc cũng duy trì sức hút với trung bình 500 -700 lượt khách mỗi ngày; vào dịp hè và các ngày lễ, lượng khách tăng gấp 2-3 lần, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa Chăm.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Ninh Thuận (cũ) đón khoảng 2,29 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 135.000 lượt khách quốc tế, tăng 164,7%. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.970 tỷ đồng.
Di tích tháp Pô Klong Garai là một trong những điểm đến tiêu biểu, đã đón khoảng 180.000 lượt khách trong 6 tháng, mang lại doanh thu ước tính 3,6 tỷ đồng. Làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc cũng duy trì sức hút với trung bình 500 -700 lượt khách mỗi ngày; vào dịp hè và các ngày lễ, lượng khách tăng gấp 2-3 lần, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa Chăm.
Ông Phú Hữu Minh Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc, phấn khởi chia sẻ: “Ngày 29/11/2022, Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là niềm tự hào lớn đối với đồng bào Chăm Bàu Trúc, đồng thời là động lực để bà con sáng tạo nhiều mẫu mã mới, chế tác sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện nay, người lao động trong làng nghề có thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng”.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025 - 2030” với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là giữ gìn các nghi thức, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn, trang phục, nhạc cụ truyền thống và các di sản văn hóa phi vật thể gắn với lễ hội. Nhiều hoạt động cụ thể sẽ được triển khai như: Phục dựng và tổ chức định kỳ Lễ hội Katê tại các di tích tiêu biểu như tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rômê; hỗ trợ nghệ nhân, duy trì hoạt động làng nghề phục vụ lễ hội; đồng thời lồng ghép nội dung lễ hội vào chương trình học đường và các hoạt động du lịch.
Các nghệ nhân dân gian múa chào mừng Lễ hội Katê tại tháp Pô Klong GaraiKatê là lễ hội truyền thống đặc sắc của người Chăm, diễn ra vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch (tức tháng 9/10 Dương lịch), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lễ hội mở đầu bằng nghi thức rước y trang Pô Inư Nưgar từ làng Hữu Đức đến các tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh) và Pô Rômê (xã Phước Hữu), nơi diễn ra các nghi lễ mở cửa tháp, tắm tượng thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Du khách được thưởng thức các tiết mục dân ca, dân vũ Chăm đặc sắc. Sau nghi lễ tại đền tháp là phần Katê làng và Katê gia đình với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi động, tạo không khí lễ hội tươi vui, đậm bản sắc văn hóa.
Thạc sĩ Lê Xuân Lợi cho biết thêm: “Tháp Bà Pô Nagar tại tỉnh Khánh Hòa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, còn Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa thành tỉnh Khánh Hòa mới (chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025) mở ra “cơ hội vàng” để ngành công nghiệp không khói phát triển mạnh mẽ. Tỉnh Khánh Hòa mới đang định hình ngành du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế, với thế mạnh đa dạng như du lịch biển, du lịch năng lượng tái tạo, du lịch làng nghề và du lịch mua sắm đặc sản nông nghiệp công nghệ cao như măng tây xanh, nho, táo, hành, tỏi...
Đặc biệt, sự kết hợp giữa các di sản văn hóa Chăm, Kinh, Raglay và các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho, Ê Đê… tạo nên bức tranh văn hóa du lịch phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.