Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đưa sách đến với những người lầm lỗi: Thức tỉnh lẽ sống ở đời

Việt Hưng - 15:20, 22/11/2019

Sau 5 năm hoạt động, mô hình thư viện dành cho phạm nhân trại giam Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục, cải tạo, môi trường văn hóa giúp cho phạm nhân có điều kiện tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua những cuốn sách, giúp cho phạm nhân tự giáo huấn, cảm hóa bản thân mình
Thông qua những cuốn sách, giúp cho phạm nhân tự giáo huấn, cảm hóa bản thân mình

Với mong muốn góp phần vào quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân theo khẩu hiệu: “Sách góp phần giúp phạm nhân tự giáo huấn, cảm hóa chính bản thân mình”, đầu năm 2013, được sự giúp đỡ của Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam và Thư viện tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với lãnh đạo Trại giam Phú Sơn 4, Cục C10 (Bộ Công an) xây dựng thí điểm và tổ chức hoạt động Mô hình thư viện dành cho phạm nhân. 

Thư viện khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 6/9/2013, với trên 1.200 đầu sách và một số loại báo, tạp chí; tập trung các đầu sách về chính trị - xã hội, pháp luật, lịch sử, văn hóa, khoa học kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, tâm lý học, gương người tốt việc tốt. Đến nay, số lượng sách của Thư viện dành cho phạm nhân tăng gấp hơn hai lần, đạt 2.670 bản. 

Dấu ấn ghi nhận nhất là, sau 5 năm hoạt động, mô hình thư viện dành cho phạm nhân trại giam Phú Sơn 4 đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục, cải tạo, môi trường văn hóa giúp cho phạm nhân có điều kiện tìm hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Phạm nhân Lê Văn Hùng, sinh năm 1969, đang chịu án phạt 16 năm tù tại Trại giam, chia sẻ: “Những ngày thụ án ở Trại, chúng tôi thấy vô cùng hối lỗi, nặng nề tâm can. Được giám thị cho phép, tôi cũng đã đến thư viện để đọc sách và tìm hiểu thông tin. Thông qua những cuốn sách, tôi càng thấm thía hơn tội lỗi của mình. Sách giúp cho tôi có cái nhìn trong sáng hơn về cuộc sống, thức tỉnh tôi hiểu hơn về lẽ sống ở đời. Tôi sẽ cố gắng cải tạo cho thật tốt để nhanh được trở về với gia đình và làm lại cuộc đời”.

Đặc biệt, tại cuộc thi sân khấu hóa “Cảm nhận về sách” của phạm nhân do Trại giam Phú Sơn 4 tổ chức năm 2018, đã có sức lan tỏa tích cực về văn hóa đọc, có tác dụng giáo dục tốt, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp cho phạm nhân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực và tác dụng của việc đọc sách, giá trị thực tiễn của sách đối với cuộc sống trong việc nâng cao nhận thức hiểu biết về pháp luật, đạo đức, văn hóa, xã hội và rèn luyện nhân cách. Cuộc thi thực sự đã có tác dụng bổ trợ cho công tác giáo dục, làm phong phú thêm về hình thức giáo dục, cảm hóa phạm nhân trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Cục trưởng Cục C10, nhờ có sách, thời gian cải tạo lao động của phạm nhân có ý nghĩa hơn. Văn hóa đọc đã góp phần giúp phạm nhân cảm hóa chính bản thân họ. Đặc biệt, việc xây dựng thư viện cho phạm nhân thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người. Cho dù mọi người có mất quyền công dân, nhưng vẫn được bình đẳng trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin và đều có cơ hội được học tập tìm hiểu, tiếp thu tri thức của nhân loại… 

Hiện nay, Cục C10 đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng thư viện sách trong các trại giam, đưa cả sách vào tận phòng giam để phạm nhân nghiên cứu, vì tính hiệu quả tốt đẹp mà sách mang lại.