Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Dương Lai - Nghệ nhân ưu tú của dân tộc Cor

Sơn Gia Phúc - 15:31, 24/12/2019

Bao nhiêu năm miệt mài với công tác nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc Cor ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), mới đây (ngày 8/3/2019), anh Dương Lai vừa vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Thành quả này là phần thưởng xứng đáng đối với những cống hiến đầy tâm huyết, trách nhiệm của anh.

Nghệ nhân Dương Lai (bên trái) trao đổi việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Cor hiện nay
Nghệ nhân Dương Lai (bên trái) trao đổi việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Cor hiện nay

Nghệ nhân Dương Lai sinh ra và lớn lên tại thôn 1, xã Trà Cót. Từ thủa ấu thơ, anh đã được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống của làng, các làn điệu dân ca hay âm vang những bài cồng chiêng của dân tộc Cor. Niềm đam mê văn hóa truyền thống dân tộc thấm đẫm dần vào tâm hồn rồi trở thành duyên nợ với anh lúc nào chẳng hay.

“Chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cor cứ mai một dần theo năm tháng, tôi buồn lắm. Vì yêu văn hóa của tổ tiên, ông bà người Cor, mà trong tâm khảm tôi luôn có ý nghĩ làm sao để gìn giữ được văn hóa dân tộc”, Nghệ nhân Dương Lai chia sẻ.

Năm 1997, khi đương nhiệm Chủ tịch UBND xã Trà Kót, anh Lai được cấp trên tin tưởng giao tham gia tổ chức lễ hội văn hóa địa phương. Hiểu rõ giá trị những di sản văn hóa của dân tộc mình, anh Dương Lai đã phối hợp cùng cán bộ ngành Văn hóa của địa phương bắt tay vào thực hiện các công trình nghiên cứu về văn hóa vật thể, phi vật thể của người Cor. Tiêu biểu như: “Văn hóa ẩm thực người Cor” (năm 1999); “Nghi lễ cây nêu của người Cor” (năm 2004); “Âm nhạc trong đời sống người Cor” (năm 2008); “Lễ hội hội Ăn trâu huê của người Cor” (năm 2013); “Lễ phục dựng cây nêu và bộ gu người Cor” năm 2014; Chương trình Làng Việt “Người Cor ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam”...

Năm nay, Nghệ nhân Dương Lai đã bước sang tuổi 58, với cương vị là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bắc Trà My, sau mỗi ngày làm việc ở cơ quan, anh lại trở về Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn để dạy đánh chiêng cho trẻ nhỏ.

Anh trực tiếp đứng ra mở lớp dạy chiêng và thành lập đội cồng chiêng thôn 2A (nay là thôn 1). Đội cồng chiêng của thôn luôn đại diện cho xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My đi dự các kỳ liên hoan cồng chiêng trong khu vực; tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội hay Lễ hội Đường phố Hội An, Quảng Nam…

Bên cạnh đó, Nghệ nhân Dương Lai còn phối hợp với đoàn thanh niên các trường học trên địa bàn tổ chức truyền dạy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Cor cho thế hệ trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.