Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Gần 3.000 con gia súc bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại

PV - 17:05, 23/02/2022

Gần 3.000 con gia súc chết do rét đậm, rét hại ở miền Bắc từ ngày 19/2 đến nay, trong đó riêng ngày 22/2 gần 2.000 con.

Một trong bốn con bò bị chết của nhà anh Nánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một trong bốn con bò bị chết của nhà anh Nánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Nghệ An, anh Lương Văn Nánh, 41 tuổi, bản Tân Thái, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cùng vợ vẫn chưa hết buồn bã vì 4 con bò của gia đình vừa chết rét. "Tôi nhẩm tính thiệt hại trên 25 triệu đồng. Lam lũ cả mấy năm trời cũng không kiếm được từng đó tiền", anh Nánh nói. Nguồn thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm ruộng để nuôi hai con đang tuổi ăn học.

Gia đình anh Nánh có 9 con bò được thả rông trên rẫy cách nhà hơn 15 km. Thông thường cứ nửa tuần anh mới vào kiểm tra một lần. Ba ngày trước thấy trời trở rét song anh không nghĩ nhiệt độ xuống thấp quá nhanh. "Ngày 21/2, nhiệt độ giảm sâu, trời mưa phùn khiến lạnh thấu xương, tôi giục vợ vào nương tìm bò đem về nhốt song tới nơi thấy bốn con nằm chết", anh Nánh kể. Hai vợ chồng đành nhờ họ hàng xẻ thịt bán rẻ cho dân bản.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết cư dân địa phương chủ yếu là người Mông, Khơ Mú và Thái, trong đó 75% là hộ nghèo. Họ có tập tục thả rông gia súc ở nương rẫy, rất ít khi đưa về chuồng. Khi trời mưa rét, trâu, bò còn ít tuổi hoặc đã già dễ chết do sức đề kháng yếu. Bước đầu xã ghi nhận 211 trâu, bò của hàng chục hộ trên địa bàn bị chết trong đợt rét này.

Hai ngày nay, chính quyền xã Tri Lễ lập tổ công tác đi tới từng bản, dùng loa để tuyên truyền người dân tích cực vào rẫy tìm đưa trâu, bò đưa về chuồng, quây bạt, sưởi ấm, trữ thức ăn để tránh rét. "Địa hình hiểm trở, trong khi nhận thức của người dân, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế cũng là những nguyên nhân gây ra thiệt hại trong đợt rét này", ông Cường nói.

Người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, che bạt sưởi ấm cho gia súc. Ảnh: Phương Linh
Người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, che bạt sưởi ấm cho gia súc. Ảnh: Phương Linh

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết đã yêu cầu phòng nông nghiệp các huyện triển khai biện pháp hạn chế thiệt hại về vật nuôi, cây trồng trong đợt rét. Nghệ An có 776.000 con trâu bò, thuộc nhóm nhiều gia súc hàng đầu cả nước.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, từ ngày 19/2 đến 18h ngày 22/2, hơn 2.900 gia súc (trên 1.600 con trâu, gần 800 con bò, hơn 450 gia súc khác) chết do rét đậm, rét hại, tăng gần 2.000 con so với hôm qua.

Nghệ An là tỉnh ghi nhận số lượng gia súc chết nhiều nhất trong hôm nay - gần 800 con, trong khi đó, Sơn La vẫn là tỉnh thiệt hại nặng nhất với hơn 1.000 con chết (tăng hơn 600 con). Số lượng gia súc chết ở Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên lần lượt hơn 260, gần 170, gần 140, trên 160.

Gia súc cũng co ro trong đợt rét đậm, rét hại tại Lào Cai ngày 21/2. Ảnh: Ngọc Thành
Gia súc cũng co ro trong đợt rét đậm, rét hại tại Lào Cai ngày 21/2. Ảnh: Ngọc Thành

Bốn ngày nay, khối không khí lạnh mạnh nhất mùa đông xuân 2021-2022 tràn đến miền Bắc khiến 25 tỉnh, thành nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, thấp nhất là Mẫu Sơn (Lạng Sơn) âm một độ C vào ngày 21/2. Băng giá xuất hiện ở nhiều điểm cao trên 1.000 m như Mẫu Sơn, Y Tý (Lào Cai), Phia Oắc (Cao Bằng).

Tỉnh Nghệ An mặc dù ở miền Trung nhưng nhiệt độ cũng xuống 7 độ C ở Quỳ Hợp vào ngày 21/2.

Dự báo đợt rét đậm, rét hại kéo dài đến ngày 24/2.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.