Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Gạo giả và bài toán uy tín, thương hiệu

Thanh Huyền - 19:25, 16/04/2024

Vấn đề gạo giả đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam. Để ngăn chặn hiện tượng này, cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả.


Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở bán gạo ST25. Ảnh: TL
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở bán "gạo ST25". Ảnh: TL

Mới đây, thông tin lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh gạo lớn trên nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã khiến cho người tiêu dùng bất ngờ. Thông tin công bố từ Tổng cục QLTT cho thấy, sau hơn 3 tháng theo dõi, giám sát, 3 đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, 5 và 15 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm giả mạo thương hiệu gạo ST25 Ông Cua (thương hiệu của “cha đẻ” giống gạo ST25).

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, tổng số lượng gạo giả nhãn hiệu và bao bì Ông Cua của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (là chủ sở hữu giống gạo đã từng 2 lần đoạt giải gạo ngon nhất thế giới) tại 3 cơ sở do Đội QLTT số 1 kiểm tra là 135 túi gạo thành phẩm loại 5kg và 700kg gạo chưa đóng cùng hơn 1.000 bao bì giả mạo và các thiết bị để đóng gói gạo giả.

Khảo sát một vòng các đại lý hoặc tiệm tạp hóa bán lẻ có thể thấy, nguồn cung gạo ST25 luôn dồi dào và có nhiều lựa chọn cho khách hàng, từ ST25 được không bao bì nhãn mác, bán lẻ từng kg cho đến gạo của công ty được đóng túi và có thương hiệu rõ ràng… Trên các sàn thương mại điện tử, vô số cửa hàng trực tuyến rao bán gạo ST25 với mức giá khác nhau.

Gạo bán tràn lan, thậm chí có nhiều nơi “niêm yết” giá bán thông qua các bảng mica cắm trong thùng gạo. Nhiều cửa hàng gạo cam kết là “gạo ST25 thật, gạo chính hãng” trong khi nguồn gốc sản xuất, cam kết về các chỉ tiêu chất lượng… đều chỉ được chứng thực qua lời nói của người bán. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận, gần như rất khó phân biệt thật - giả.

Ngành sản xuất lúa gạo đặt mục tiêu nâng tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Ảnh: TL
Ngành sản xuất lúa gạo đặt mục tiêu nâng tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Ảnh: TL

Còn nhớ, năm 2023, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện một hộ gia đình ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai dùng lá dứa nghiền ra để nhuộm xanh gạo Séng Cù, rồi quảng cáo đây là giống gạo Séng Cù xanh và bán với giá cao hơn bình thường. Nhưng thực chất, không có loại gạo nào cho màu xanh như vậy. Nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực lương thực thực phẩm từng bị phát hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự.

Dù với hình thức "ăn theo", copy hay giả mạo đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của những hành vi này là muốn đạt lợi nhuận nhanh, dễ dàng. Mặc dù thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã rất tích cực, chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu song kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi các chế tài xử lý chưa đủ để răn đe. Nếu có xảy ra tranh chấp, kiện tụng, quy trình này sẽ kéo dài, ngay cả khi xử phạt hành chính thì mức xử phạt cũng thấp hơn nhiều so với lợi nhuận kiếm được. Chưa kể, để xử phạt được thì bên thực thi cũng mất không ít chi phí, thời gian, công sức.

Thị trường các sản phẩm gạo hiện nay đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tình trạng làm giả và nhái các sản phẩm gạo nổi tiếng đã trở nên tràn lan và kéo dài trong nhiều năm, đồng thời ít bị phát hiện và xử lý. Tình trạng nhờn luật khi hàng nhái, hàng giả thương hiệu nhưng không bị nghiêm trị đang tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Là mảnh đất màu mỡ cho những người ra làm ăn nhưng lại có suy nghĩ làm giàu phi pháp, lấy của người làm của mình.

Để đối phó với vấn đề này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các biện pháp cứng rắn hơn cần được thực hiện để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường quản lý nguồn gốc và quy trình sản xuất gạo. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn giữ vững uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Côn Đảo - từ “địa ngục trần gian” đến thiên đường du lịch

Sau gần một thế kỷ giải phóng, xây dựng và phát triển, từ mảnh đất được coi là “địa ngục trần gian” của thế kỷ XX, Côn Đảo đã trở thành “thiên đường du lịch” giàu có, là điểm đến linh thiêng của khách thập phương trên toàn thế giới.