Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Già A Mơ giữ nghề truyền thống để làng Kon Jơ Dri thêm cơ hội phát triển

Đ.Dương - 06:39, 22/12/2022

Già A Mơ, năm nay đã 82 tuổi, sinh sống tại làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum là một trong số ít người giữ được nghề đan lát, một nghề đã có từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào DTTS ở Kon Tum. Già nói, điều mà già A Mơ luôn trăn trở, là "không có mấy đứa thanh niên biết đan lát".

Theo già A Mơ gùi đẹp là cần phải vót những nan tre dẽo dai, đều và đẹp
Theo già A Mơ để có gùi đẹp là cần phải vót những nan tre dẻo dai, đều và đẹp

Giữ nghề truyền thống của dân tộc

Trong không khí se lạnh vào thời điểm giao mùa những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa gặp già A Mơ. Dù tuổi đã cao, nhưng có khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Ngãi đặt hàng, già vẫn cặm cụi, tỉ mỉ hoàn thành 5 chiếc gùi bằng mây tre để giao cho khách. 

Theo già A Mơ kể, ngày già còn nhỏ, thường xuyên được chứng kiến, ban ngày bà con thường ra đồng, ra ruộng, lên nương rẫy để làm công việc đồng áng, ban đêm thì thường tập trung lại ở nhà rông của làng để trò chuyện, thăm hỏi, trao đổi cách làm ăn. Những già làng, người lớn tuổi ngồi đan lát, dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần.

"Sau này thấy nghề đan lát rất hay, nó có thể tạo ra các sản phẩm để sử dụng trong gia đình như cái gùi để đựng thức ăn, dụng cụ lên nương, rổ rá để đựng các vật dụng nhỏ,... nên tôi đã tích cực học hỏi và làm theo", già làng A Mơ cho biết.

Già làng cho biết, đàn ông, con trai thì phải biết đan lát, phụ nữ, con gái thì phải biết dệt thổ cẩm. Do đó, nếu con trai mà biết đan lát, có hoa tay và thể hiện được tài nghệ của mình thì được nhiều người đánh gia cao và có thể làm tiêu chí tốt để các cô gái trong làng để ý tới

Để chứng minh, già A Mơ mô tả về quy trình để tạo ra được một sản phẩm đan lát: sau khi đã có nguyên liệu, tre nứa, lồ ô được chẻ ra và vót thành nan, đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, chăm chuốt để tạo ra những nan tre đều, đẹp, láng và có độ dẻo dai. Mỗi sản phẩm khác nhau phải có độ dài ngắn khác nhau, dày mỏng, to nhỏ khác nhau, do đó phải tính toán kỹ để sử dụng cây tre, nứa hiệu quả nhất, không bị lãng phí nguyên liệu; giúp cho những sản phẩm đẹp hơn và không bị lỗi hỏng trên sản phẩm...

Mỗi sản phẩm đều có những cách đan khác nhau, nhưng để đan chiếc gùi là khó nhất và tốn nhiều thời gian nhất. Nói về cách đan cái gùi sao cho đẹp, già A Mơ cho biết: “Sau khi chẻ đầy số lượng nan để đan 1 cái gùi, thì tiếp theo sẽ đan thành phên phần đáy gùi, rồi mới uống cong phần đáy để lên thân gùi, hình thành nên hình dạng của gùi. Đây là khâu rất quan trọng đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, chỉn chu, chính xác và nó quyết định đến hình dạng của chiếc gùi đẹp.”

Sau khi đan đến độ cao phù hợp, một công đoạn cũng hết sức quan trọng để có một chiếc gùi đẹp và chắc chắn, là tiến hành bo vành cho sản phẩm vừa đan. Mỗi chiếc gùi có hai vành, gồm vành trong và vành ngoài kẹp phần phên của thân gùi.

 Để bo vành phải sử dụng những chiếc kẹp được già A Mơ làm bằng tre cố định chúng lại với nhau, sau đó dùng dây mây siết chặt, cố định và tạo mẫu cho chiếc vành gùi. Dây mây còn được sử dụng là các dây đeo, được kết nối với gùi, tạo nên một chiếc gùi đẹp và chắc chắn. Đối với các sản phẩm khác cũng được bo vành tương tự như đan gùi.

Già A Mơ giữ nghề đan lát ở làng Kon Jơ Dri 1
Chiếc gùi đang được già A Mơ đang hoàn thiện

Trăn trở giữ nghề

Theo già A Mơ, hiện nay, nguyên liệu kiếm rất khó, khó nhất là dây mây, dây mây thường có ở những vùng xa, rừng rậm, đồi núi cao chứ ở gần làng thì nay hầu như không còn nữa, do đó phải nhờ con cái hay bà con trong làng đi rừng làm nương rẫy gặp thì tiện lấy về. Đối với người dân trong làng thì già mua lại, 3000 đồng/dây.

Già A Mơ cho hay, hiện nay tại làng Kon Jơ Dri, con trai trong làng hầu như không đứa nào theo nghề đan lát này, một số đứa cũng được dạy đan, nhưng cũng không theo nghề được. Ngay cả con trai già, dù đã được già dạy lại nghề đan lát, tuy con trai già đã biết đan nhưng cũng không theo nghề, bởi vì thu nhập quá thấp. 

"So với việc đan được một cái gùi phải mất nữa tháng trời để hoàn thiện để bán, thì mỗi ngày đi làm công bên ngoài cũng thu được 300-400 ngàn đồng.  Do đó, trai trẻ trong làng ngoài việc nhà có ruộng, làm nương rẫy thì đi làm thuê cho người khác để kiếm thêm thu nhập, chứ không chọn nghề đan lát nữa”, già làng cho biết.

Được biết, làng Kon Jơ Dri được xã Đăk Rơ Wa lựa chọn xây dựng làng Du lịch cộng đồng. Bên cạnh nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện cần thiết, xã Đăk Rơ Wa đã tích cực vận động người dân người dân xây dựng Homestay, giữ gìn nghề truyền thống của người địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát để thu hút khách du lịch.

Bà Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Wa cho biết: Hiện nay, người có tay nghề như già A Mơ rất hiếm. Già biết làm rất nhiều vật dụng như cái gùi, cái nong, cái nia, cái giỏ, rổ, rá, nôm bắt cá...; nhà già A Mơ nằm ngay trên đường vào nhà rông Kon Jơ Dri, nên xã đã lựa chọn nhà A Mơ làm mô hình điểm, để giới thiệu cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây du khách có thể cùng già A Mơ trải nghiệm thực tế, vừa có thể chiêm ngưỡng và mua các sản phẩm đan lát truyền thống của bà con về làm quà, qua đó giúp bà con duy trì nghề truyền thống và có thêm thu nhập.

Bà Y Khiêm cũng cho biết, xã sẽ tranh thủ nguồn lực hỗ trợ, đầu tư theo Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, để giải quyết được những vấn đề khó khăn, qua đó những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS mãi được lưu truyền.