Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gia đình 3 thế hệ giữ nghề dệt truyền thống

Phạm Nguyên - 17:53, 22/04/2023

Với tâm nguyện con cháu sẽ tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, bà Y Chrưt, 90 tuổi ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, TP. Kon Tum đã và đang nỗ lực để truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu.


Bà Y Chrưt chỉ cho con, cháu cách dệt truyền thống.
Bà Y Chrưt chỉ cho con, cháu cách dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhìn các con gái và cháu ngoại dệt thành thạo hoa văn thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na, bà Y Chrưt không giấu được cảm xúc vui mừng. Với bà, đó là tâm nguyện cả một đời gắn bó với nghề dệt của dân tộc mình.

Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và những tấm thổ cẩm với hoa văn đặc sắc, bà Y Chrưt hiểu được giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bởi vậy, từ bé, bà đã theo mẹ học nghề để phục vụ cho cuộc sống gia đình. “Tôi rất yêu thích nghề dệt nên học rất nhanh và biết dệt những tấm thổ cẩm để làm quần áo phục vụ cho cuộc sống gia đình khi mới 15 tuổi”, bà Y Chrưt chia sẻ.

Hằng ngày, có thời gian rảnh rỗi là bà Y Chrưt lại miệt mài se chỉ, luồn khung, tỉ mỉ dệt nên những tấm thổ cẩm với màu sắc phong phú, hoa văn độc đáo được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống. “Màu đen tượng trưng cho đất đai trù phú, màu xanh thể hiện cho sự xanh tươi của cỏ cây, sông nước và khát vọng về một cuộc sống thanh bình. Còn màu đỏ rực rỡ thể hiện cho lòng dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên. Mỗi hoa văn gắn liền với môi trường sống hay thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân”, bà Y Chrưt chia sẻ.

Trách nhiệm và nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm, bà Y Chrưt luôn dành thời gian để truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm cho 8 người con gái của bà. Bởi theo bà, phải dạy lại để các con biết được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, nếu để nghề dệt mai một thì mình có lỗi với các thế hệ đi trước.

Đến nay, cả 8 người con gái của bà Y Chrưt đều biết dệt thổ cẩm. Chị Y Thoach, con gái thứ 3 của bà Y Chrưt (ở làng Plei Tơ Nghia) cho biết: Các chị em trong gia đình tôi đều cảm thấy tự hào và cố gắng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Mẹ dạy cho tôi thì tôi lại dạy cho con gái để thế hệ sau luôn kế tục nghề truyền thống của dân tộc mình.

Gần 90 tuổi, bà Y Chrưt vẫn luôn nhanh nhẹn trong quá trình dệt thổ cẩm.
Gần 90 tuổi, bà Y Chrưt vẫn luôn nhanh nhẹn trong quá trình dệt thổ cẩm.

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình, em Y Vân, 16 tuổi là cháu ngoại của bà Y Chrưt đã dệt thành thạo các tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn khác nhau. Ngoài việc dệt thành thạo, em còn may quần, áo để phục vụ gia đình và bán cho bà con trong làng. “Em rất yêu thích nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những hoa văn mà bà và mẹ dạy cho em cách làm, em thấy rất đẹp và ý nghĩa. Em sẽ cố gắng giữ nghề truyền thống để sau này dạy lại cho thế hệ sau”, em Y Vân bộc bạch.

Bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề dệt truyền thống, hiện tại cả gia đình 3 thế hệ của bà Y Chrưt với gần 20 người đều biết dệt thổ cẩm. Đó là một điều rất đáng quý. Không chỉ dạy cho con, cháu trong gia đình, bà Y Chrưt còn dạy cho các chị em phụ nữ trong làng. Bởi với bà, càng nhiều người giữ được nghề dệt thì đó mới là niềm vui lớn.

Năm 2020, UBND phường Quang Trung, TP. Kon Tum đã đầu tư xây dựng nhà dệt thổ cẩm ngay tại làng. Đây vừa là nơi để các nghệ nhân dạy nghề cho lớp trẻ, vừa để trưng bày hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Bà Y Chrưt chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, tôi cũng luôn nhắc nhở con cháu phải giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình để tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ sau”. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.