Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Giải bài toán thiếu giáo viên: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài

Băng Ngân - Trương Vui - 10:45, 02/11/2023

Năm học 2023 - 2024, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học ở nhiều trường học, nhất là các điểm trường ở vùng DTTS và miền núi. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục cũng đang đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài...

Tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay đã là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến công tác dạy và học ở nhiều trường học, nhất là các điểm trường vùng DTTS (Ảnh: Lê Hường)
Tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay đã là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến công tác dạy và học ở nhiều trường học, nhất là các điểm trường vùng DTTS (Ảnh: Lê Hường)

Nỗi lo thiếu giáo viên

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) dự báo, trong năm học 2023 - 2024, cả nước cần tuyển bổ sung trên 81.500 giáo viên các cấp để đảm bảo cho việc dạy và học.

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đang thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với số lượng hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học. Cụ thể, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người, giáo viên Tin học thiếu 690 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 72 người và giáo viên Mỹ thuật thiếu 277 biên chế.

Hay tại Đắk Nông, dự kiến năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 90 trường mầm non, 132 trường tiểu học, 87 trường THCS và 34 trường THPT. Do đó, để bảo đảm nhu cầu dạy và học trong năm học mới, tỉnh đề nghị xem xét, giao bổ sung lên đến 1.021 biên chế viên chức, là số lượng biên chế cần thiết để tỉnh tổ chức tốt việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng sự gia tăng học sinh.

Đây cũng là tình trạng diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước nhiều năm qua. Nhất là tại những địa phương miền núi với điều kiện còn nhiều thiếu thốn, việc tìm giáo viên nhiệt huyết “bám bản” vốn đã là một bài toán khó, thì việc bổ sung, cân đối số giáo viên ở một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới lại càng khó hơn.

Trong khi đó, một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ người dạy, người học ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Hơn thế, việc thiếu cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề khiến làn sóng giáo viên nghỉ việc hay xin chuyển công tác liên tục diễn ra trong thời gian qua. Điều này dẫn đến sự mất cân đối giáo viên giữa các vùng miền, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục chung trên cả nước.

Cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách thu hút đối với giáo viên, đặc biệt là với giáo viên công tác tại các trường vùng cao, vùng khó khăn đặc thù (Ảnh: Văn Hoa - Minh Đức)
Cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách thu hút đối với giáo viên, đặc biệt là với giáo viên công tác tại các trường vùng cao, vùng khó khăn đặc thù (Ảnh: Văn Hoa - Minh Đức)

Để giáo viên gắn bó với sự nghiệp “trồng người”

Thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học như hiện nay, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục. Bởi vậy, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cả trước mắt và lâu dài, ngành giáo dục cũng đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026 (Quyết định số 72-QĐ/TW), Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 2/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Theo đó, Bộ đã đề nghị, các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Điều này cũng là để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đã đặt ra nhiều nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu: đến năm 2025 tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 60% và người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu đã được giao, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị, thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Ông Đức cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành trong việc xây dựng cải thiện chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến tuyển dụng, thu hút và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.

Theo ông Đức, đối với giáo viên công tác tại các trường vùng cao, vùng khó khăn đặc thù, ngoài xây dựng chương trình tuyển dụng giáo viên hiệu quả, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của từng trường học, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tăng cường đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, xây dựng những chính sách thu hút như: hỗ trợ nhà công vụ, tài chính, phúc lợi xã hội, điều kiện làm việc… Từ đó, phần nào giúp thầy cô yên tâm bám bản, công tác lâu dài, để tình trạng thiếu giáo viên không còn là gánh nặng trước thềm năm học mới...

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.