Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống người Pà Thẻn

Quỳnh Hoa - 19:21, 02/04/2023

Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Tại huyện Quang Bình (Hà Giang), chính quyền và người dân đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trong đời sống hôm nay.

Trang phục người Pà Thẻn trong lễ cưới
Trang phục người Pà Thẻn trong lễ cưới

Cuộc sống của người Pà Thẻn gắn liền với thiên nhiên, có những nét riêng độc đáo trong phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa và trang phục dân tộc. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, nhiều nét văn hóa độc đáo của người Pà Thẻn, trong đó có trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp.

Trước thực trạng đó, chị Tải Thị Mai - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bắc đã mở lớp dạy miễn phí nghề dệt truyền thống cho các chị em phụ nữ Pà Thẻn. Từ đó để chị em biết cách dệt vải và tạo ra một bộ trang phục hoàn chỉnh của dân tộc mình. Mỗi sản phẩm dệt không chỉ là thành quả của sự sáng tạo mang giá trị thẩm mỹ, mà còn chứa đựng cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của con người Pà Thẻn.

Chị Tải Thị Mai chia sẻ, người Pà Thẻn làm trang phục truyền thống bằng tâm hồn, bằng cảm xúc của mình. Mỗi bộ trang phục thể hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng về mối quan hệ cởi mở, hòa đồng, cộng sinh giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, vạn vật xung quanh. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống đã làm tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử, của trang phục lên gấp nhiều lần. Qua đó, trang phục nói lên cốt cách, tâm hồn người Pà Thẻn, là nơi trải nghiệm những rung cảm mãnh liệt và chất chứa nguồn mỹ cảm vô tận trong đời sống cộng đồng.

Bao đời nay, Người Pà Thẻn ở Quang Bình luôn tự hào về trang phục truyền thống của  mình. Mặc dù, xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, nhưng phụ nữ Pà Thẻn vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Hiểu được giá trị văn hóa truyền thống chính là di sản của cha ông, nên các bà, các mẹ vẫn hàng ngày miệt mài khôi phục, gìn giữ, truyền thụ những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Để bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống của người Pà Thẻn, xã Tân Bắc đã chỉ đạo thành lập HTX dệt thổ cẩm tại thôn My Bắc; tổ chức lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may trang phục cho chị em phụ nữ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm thổ cẩm thành sản phẩm OCOP có giá trị cao.

Dưới đây là một số hình ảnh phụ nữ Pà Thẻn ở Quang Bình dệt may trang phục truyền thống và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, du lịch hôm nay: 

Phụ nữ Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc huyện Quang Bình dệt trang phục truyền thống
Phụ nữ Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc huyện Quang Bình bên khung dệt
HTX thổ cẩm Pà thẻn xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) là một trong những địa chỉ duy trì bảo tồn và gìn giữ nét đẹp trang phục của người Pà Thẻn
HTX thổ cẩm Pà thẻn xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) là một trong những địa chỉ góp phần bảo tồn và phát huy vẻ đẹp trang phục của người Pà Thẻn
Đồng bào Pà Thẻn mặc trang phục dân tộc khi thực hành các nghi lễ cúng tại bản
Đồng bào Pà Thẻn mặc trang phục dân tộc khi thực hành các nghi lễ cúng tại bản
Đồng bào Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ đám cưới.
Đồng bào Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ đám cưới
Trang phuc nam, nữ Pà Thẻn ở Quang Bình (Hà Giang)
Trang phục nam, nữ Pà Thẻn ở Quang Bình (Hà Giang)
Trang phục truyền thống của người cao tuổi Pà Thẻn và thế hệ trẻ hôm nay
Các thế hệ già, trẻ dân tộc Pà Thẻn rất tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc
Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.