Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Gốm cổ Sa Huỳnh hồi sinh

T.Nhân - H.Trường - 12:38, 16/03/2024

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh. Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt tâm linh. Chính vì thế, gốm Sa Huỳnh đã có một thời vàng son, phát triển rực rỡ. Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh “lụi” dần và có nguy cơ bị mai một. Để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, chính quyền địa phương cùng những người thợ làm gốm yêu nghề đã cố gắng níu giữ nhằm phục dựng và hồi sinh dòng gốm cổ.

Những người thợ làm gốm tại xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực hồi sinh gốm cổ Sa Huỳnh (Ảnh Nguyễn Trang)
Những người thợ làm gốm tại xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực hồi sinh gốm cổ Sa Huỳnh (Ảnh Nguyễn Trang)

Làng gốm cổ Sa Huỳnh nằm ngay bên cạnh đầm nước ngọt cạnh biển lớn nhất Việt Nam là đầm An Khê. Từ hàng nghìn năm trước, người dân địa phương đã biết tận dụng nguồn nước trong lành hòa với đất sét để làm nên những sản phẩm gốm mộc độc đáo.

Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Đó là các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa… với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hoá của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm.

Những người cao tuổi trong làng không còn nhớ nghề gốm được bắt đầu từ đâu. Chỉ biết rằng, thời hoàng kim, gốm Sa Huỳnh được rất nhiều nơi ưa chuộng. Làng gốm lúc nào cũng đỏ lửa, khắp làng trên, xóm dưới nhộn nhịp làm gốm, đâu đâu cũng xôn xao tiếng bán mua trao đổi, nhà nhà, người người trong thôn, từ già đến trẻ đều biết làm gốm.

Những người tâm huyết đang nỗ lực giữ gìn nghề gốm cổ Sa Huỳnh (Ảnh Nguyễn Trang)
Những người tâm huyết đang nỗ lực giữ gìn nghề gốm cổ Sa Huỳnh (Ảnh Nguyễn Trang)

Qua thời gian, hiện số hộ dân vẫn giữ nghề làm gốm truyền thống đếm trên đầu ngón tay. Tinh hoa của dòng gốm cổ Sa Huỳnh tưởng chừng chỉ còn trong phòng trưng bày và những ghi chép của nhà khảo cổ trong Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, thế nhưng đến nay lại được phục dựng, hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay tài hoa của những người thợ làm gốm.

Đánh dấu cho sự hồi sinh của gốm cổ Sa Huỳnh là việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối tháng 11-2023. HTX ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này.

Hiện tại, ở xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ vẫn còn 3 hộ với 7 người thợ vẫn giữ nghề làm gốm. Đây là xóm duy nhất có những người thợ kế thừa cách làm gốm thủ công, không dùng máy móc hay điện năng.

Công đoạn nhào đất để làm gốm (Ảnh Nguyễn Trang)
Công đoạn nhào đất để làm gốm (Ảnh Nguyễn Trang)

Việc khôi phục một nghề gốm đã có niên đại 2.000-3.000 năm không phải là điều đơn giản, các thợ gốm ngày nay đã không còn biết về đặc trưng gốm cổ Sa Huỳnh. Khác với các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt, gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc. Người thợ phải biết pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu, tỉ mẩn mới tạo ra được sản phẩm đẹp và bền. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn.

Bà Trần Thị Mỹ, người có kinh nghiệm làm gốm hơn 40 năm cho biết: Mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật. Trước hết là phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng.

Để làm ra sản phẩm gốm mô phỏng gốm cổ Sa Huỳnh, người thợ trải qua nhiều công đoạn như khâu chọn đất sét, dùng tay nhào thật kỹ rồi đắp thành từng ụ đất lớn, tạo nên độ mịn, dẻo. “Khâu khó nhất là khâu nặn đất, một tay tạo hình, một chân đẩy liên tục bàn xoay nhịp nhàng. Nhiều nơi, khi đến khâu tạo hình trên bàn xoay, họ sử dụng bàn xoay bằng điện để giảm sức nhưng tôi và các hộ dân ở đây vẫn giữ cách làm xưa, nhất là dùng chân đạp bàn xoay. Sau đó đến vẽ trang trí, nung sản phẩm trong lò nung bằng đất, phơi nắng cho rắn chắc”, bà Mỹ cho biết thêm.

Người thợ gốm đang làm thủ công, tay tạo tác, chân đạp bàn xoay (Ảnh Nguyễn Trang)
Người thợ gốm đang làm thủ công, tay tạo tác, chân đạp bàn xoay (Ảnh Nguyễn Trang)

Ngoài hộ bà Mỹ thì còn vợ chồng ông Nguyễn Diên (58 tuổi, xóm 26, thôn Vĩnh An), gia đình bà Mai Thị Hồng Tư (64 tuổi), họ đều kế thừa truyền thống làm gốm của gia đình từ nhiều đời. Cụ bà Nguyễn Thị Ni (84 tuổi) là người lớn tuổi nhất vẫn miệt mài với nghề làm gốm, cách làm gốm và trang trí của bà gần với cư dân Sa Huỳnh cổ. Bà Ni chia sẻ: Tôi làm gốm từ đời ông bà, cha mẹ rồi giờ tôi truyền lại cho con, cho cháu tiếp tục giữ nghề gốm chứ không được bỏ nghề.

Chị Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, thành viên HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh, cho hay: Theo như nền văn hóa Sa Huỳnh, trước đây, cư dân cổ đã dùng bàn xoay chậm để làm gốm và hiện nay các hộ dân trong thôn Vĩnh An vẫn dùng bàn xoay chậm. Đây là khâu thủ công nhất đến ngày nay còn bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các hoa văn trang trí của tiền sử Sa Huỳnh đã được các chuyên gia tổng hợp và hỗ trợ các hộ dân để làm hình mẫu gốm Sa Huỳnh. Qua quá trình tạo tác, nhiều sản phẩm đã mô phỏng tương đối theo hình dáng gốm cổ Sa Huỳnh và đạt tỷ lệ rất tốt.

“Hiện tại, mục tiêu phát triển là giúp người dân bảo tồn làng nghề, ngoài việc làm sản phẩm thông thường phục vụ sinh hoạt, những người thợ tham gia làm bình gốm, vẽ hoa văn mô phỏng, hồi sinh sản phẩm của cư dân Sa Huỳnh niên đại cách đây 2.000-3.000 năm. HTX sẽ tổ chức hoạt động cho khách tham quan, các em học sinh đến thăm quan và trực tiếp trải nghiệm cách làm gốm mà các hộ dân đang làm”, chị Thuỷ nói.

Tin cùng chuyên mục
Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Điều kiện hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

Từ 1/7/2025, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài tiền lương hưu, người lao động còn được trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.