Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Góp thêm xuân trên từng trang viết

Hồng Minh - 17:30, 17/01/2020

Trong tâm thức đồng bào các DTTS, mỗi độ Tết đến Xuân về không chỉ là mùa của lễ hội mà còn là khoảnh khắc nơi những niềm vui được thắp lên, tình cảm bản làng được gắn kết.

Mỗi độ Tết đến, Xuân về cảnh vật nơi non cao lại như được khoác thêm tấm áo mới. (Ảnh TL)
Mỗi độ Tết đến, Xuân về cảnh vật nơi non cao lại như được khoác thêm tấm áo mới. (Ảnh TL)

Tết hoài niệm

Những ngày cận Tết, trên mỗi buôn làng, xóm nhỏ những sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận lại bung nở giữa đất trời tạo nên những nét chấm phá sinh động cho bức tranh Xuân vùng cao. Có lẽ, khi ở thời khắc giao hòa, dịch chuyển của thời gian ấy, con người cũng như cảnh vật dường như trở nên sâu lắng, cảm xúc hơn. Người ta thường nói “tức cảnh sinh tình” thế nên chẳng cớ gì, tâm hồn người nghệ sĩ lại không rung động, xao xuyến trước không khí tràn ngập sắc Xuân.

Những rung động, xao xuyến ấy cứ tự nhiên ùa về, dù chỉ nhìn thấy những vật vô tri vô giác như đống củi khô ở góc sân, những tàu lá dong gói bánh cũng đủ để thốt ra những câu thơ đầy chất tình. “Lá dong tấp vào ven suối/ Nhà nhà củi xếp đầy sân/ Cối nước đêm đêm mải miết/ Tết quê đã ở rất gần…”. Đó là hình ảnh về ngày Tết của nhà thơ Mai Liễu, một người con dân tộc Tày huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong bài thơ “Tết quê”.

Nhắc lại kỷ niệm Tết xưa, trong hoài niệm của nhà thơ Mai Liễu là hình ảnh những đứa trẻ con háo hức khi có được những bộ quần áo mới. “Nói là quần áo mới, nhưng cũng chẳng mới đâu, thậm chí cũng chẳng đủ ấm vào những ngày đông. Nhưng sự hồn nhiên, vô tư của bọn trẻ như xóa tan sự giá rét của cái lạnh miền núi” nhà thơ Mai Liễu trầm ngâm nói.

Với nhà thơ Mai Liễu, “Tết là dịp giúp con người mở lòng ra đón nhận những niềm vui mới mà vẫn không quên đi những giá trị xưa cũ. Những phút hoài niệm về quá khứ khiến con người biết trân trọng và hết mình cho thực tại. Bởi vậy, tìm về những giá trị thiêng liêng như sum vầy dịp Tết cũng chính là giúp cho tâm hồn bớt những hời hợt, vô ưu”.

“Những giá trị xưa cũ” trong ký ức về ngày Tết của nhà thơ Mai Liễu là hình ảnh từng gia đình đi lấy củi khô để dự trữ cho những tháng ra Giêng thời tiết mưa nhiều; là hình ảnh bếp lửa ấm cúng mỗi độ Xuân về, mọi người quây quần bên ngọn lửa, sưởi ấm và xích lại gần nhau hơn.

Hướng đến tương lai

Nếu nói rằng, với nhiều nhà văn nhà thơ, hình ảnh mùa Xuân, ngày Tết là “cái cớ” để truyền tải những thông điệp sâu sắc, quả không sai chút nào. Nhìn vào ngày Tết để thấy được đời sống của đồng bào vùng cao đang đổi thay từng ngày, và những đổi thay đó lại được hiện lên trên từng trang viết.

Trong tác phẩm “Sức sống bất tận của ngày Xuân” nhà văn Lộc Bích Kiệm (Lạng Sơn) như nói thay tiếng lòng của đồng bào vùng cao về những niềm vui, hy vọng về cuộc sống tương lai.

Tác phẩm là bức tranh đa sắc về cuộc sống của đồng bào vùng cao được hiện ra từ hình ảnh những rừng cây đâm chồi nảy lộc, như được khoác lên tấm áo mới, những con người nghèo khó ánh lên sự vui tươi, yêu đời… “Nếu trước đây, để lo được một cái Tết, đồng bào phải chuẩn bị trước cả tháng. Mang bán những thứ mình có để mua thứ mình cần như bán măng, bán gà để mua mì chính, mua mắm… Giờ đây, cuộc sống đã bớt khó khăn, nhưng ngày Tết vùng cao vẫn có những nét đặc sắc riêng so với miền xuôi” nhà văn Lộc Bích Kiệm tâm sự.

“Ngày Tết là hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất về cuộc sống của đồng bào. Tết năm nay mổ con lợn to hay nhỏ, gói bánh chưng nhiều hay ít… từ đó sẽ biết được đời sống đang được nâng lên từng ngày. Không còn những khó khăn về miếng cơm manh áo, ngày Tết đã trở thành những ngày vui” nhà văn Lộc Bích Kiệm chia sẻ. 

Giống với nhà văn Lộc Bích Kiệm, hình ảnh đổi thay của bản làng cũng được nhà văn Nông Quang Khiêm (Yên Bái) gửi gắm qua từng trang viết trong tác phẩm “Sơn tra Lùng Cúng”. “Tôi nhìn ra ngoài kia, rừng sơn tra đang vươn những tán lá xanh pha tím thẫm, dày ngậm sương, thân bạc phếch bởi thời gian, gió rét, đang lặng lẽ tích cho mình thứ nhựa chua chát, để chẳng bao lâu nữa Xuân về, rừng sơn tra bung nở muôn vàn hoa trắng; tháng Chín, tháng Mười quả sai trĩu trịt, căng mẩy đầy cành, cho người dân Lùng Cúng những mùa no ấm”.

Hay như nhà văn Mã A Lềnh (Lào Cai) với bút ký “Chộn rộn đường Xuân” ngẫm lại hành trình đổi thay của Lào Cai. “Hình như mọi ngả đường đều chộn rộn hơn” và một năng lượng chợt đến, mà có lẽ mùa Xuân của cả đất trời và lòng người hội tụ lại mới có được. “Nhấp một ngụm rượu Xuân rồi lại chuẩn bị tinh thần cho cuộc hành trình sự nghiệp”.

Có thể thấy, những suy ngẫm, ưu tư về mùa Xuân, về con người của mỗi thi sĩ khác nhau song niềm tin tưởng và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và hiến dâng không bao giờ vơi cạn trong mỗi tác phẩm.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.