Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hà Myo - Người đầu tiên kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử

Hồng Phúc - 15:52, 14/08/2022

Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) nổi lên như một hiện tượng âm nhạc được giới trẻ yêu thích khi “liều lĩnh” trở thành người đầu tiên dám kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM. Hà Myo đã mang đến một tinh thần đầy năng lượng, trẻ trung và sôi động cho những điệu xẩm với khao khát cháy bỏng bảo tồn âm nhạc dân gian.

Cô gái xứ Mường hát xẩm kể ký sự Trường Sa
Sự kết hợp của xẩm, nhạc điện tử EDM và rạp trong Xẩm Hà Nội được Hà Myo thể hiện nhận được sự thích thú của khán giả trẻ

Cứ đi rồi sẽ thành đường thôi

Hà Myo là một người con của dân tộc Mường, quê gốc Ba Vì, Hà Nội. Vốn là ca sĩ nhạc trẻ, năm 2020, Hà lọt vào chung kết cuộc thi giọng hát hay Hà Nội. Thế nhưng, mong muốn thách thức giới hạn bản thân, đã khiến cô quyết định thử sức với thể loại mới khi kết hợp xẩm với âm nhạc điện tử EDM và rap.

“Có chợ Đồng xuân, vui nhất có chợ Đồng Xuân,
Mùa nào thức nấy xa gần đến mua
Mà cổng giữa có chị hàng dừa
Hàng cau hàng quýt, hàng dưa rồi hàng hồng”

Đây là một ý tưởng chưa ai nghĩ tới và chưa ai thực hiện trước Hà Myo, bởi không chỉ là vấn đề về kỹ thuật, âm nhạc mà sáng tạo này còn phải cực kỳ thận trọng khi pha trộn văn hóa mang hơi thở đương đại với những giá trị truyền thống.

Không giấu giếm, Hà bộc bạch rằng, công cuộc cháy hết mình với xẩm quả thực không hề đơn giản khi cần nguồn kinh phí đầu tư về mọi mặt. Tuy vậy, Hà vẫn xác định hướng đi dài hơi phía trước cần sự đóng góp nghiêm túc về thời gian, công sức. Hà may mắn khi nhận được sự đồng hành, cổ vũ hết mình từ “anh xã” - nhà sản xuất âm nhạc Ngô Thế Phương. Vì thế, mỗi khi một ý tưởng về xẩm lóe lên, lập tức có sự chia sẻ và thử nghiệm ngay.

 Không ai dám chắc những ý tưởng đó có đi đến thành công hay không, nhưng nếu không thử thì không bao giờ đến đích. Phải trải qua 38 lần chỉnh sửa, Hà mới có một MV “Xẩm Hà Nội” ra mắt công chúng và gây sốt một quãng thời sau đó.

“Thực ra trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Đối với xẩm thì cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ, cách thể hiện hoàn toàn khác với nhạc nhẹ - dòng nhạc mà cô tôi đang theo đuổi. Tuy nhiên, thử thách luôn đi kèm với cơ hội, Hà nghĩ nó cũng là một yếu tố giúp Hà trở nên đặc biệt trong làng nhạc Việt”, Hà Myo chia sẻ.

Cô gái xứ Mường hát xẩm kể ký sự Trường Sa 1
Ca sĩ Hà Myo

Trong Xẩm Hà Nội, nếu đoạn rap thu hút người trẻ, bởi không khí sôi động và tinh thần trẻ trung của âm nhạc đương đại, thì những khúc xẩm lại kéo người nghe về một không gian truyền thống, pha chút ma mị. Tưởng chừng là mâu thuẫn, nhưng rap và EDM quấn quýt với xẩm, lại tạo ra hiệu ứng cực kỳ cuốn hút, “bắt” tai, tựa như chúng sinh ra dành cho nhau vậy.

Nếu khi xưa, xẩm thường vang lên những giai điệu buồn thương, ai oán giữa đường, giữa chợ - những không gian đời thường thì trong sản phẩm âm nhạc của Hà Myo, xẩm trở nên động hơn, “bắt” tai hơn chứ không hề ủ rũ, não nề. Ca khúc đã đạt tới hơn 600 nghìn lượt xem trên Youtube, một con số ấn tượng và đáng mừng cho thể nghiệm mới mẻ này.

“Rất may mắn cho Hà vì đã được gặp và nhận được sự giúp đỡ từ Nghệ sĩ hát xẩm Nguyễn Quang Long - Nhà Lý Luận Phê Bình Âm Nhạc - Soạn giả bài Xẩm Hà Nội và có người bạn đời là Nhà sản xuất âm nhạc Thế Phương VBK cùng các bạn trong Ekip đã giúp Hà Myo hoàn thiện được những sản phẩm của mình”, Hà Myo nói.

Hát bằng tình yêu văn hóa Việt 

Hà Myo hát mê say như chính tình yêu của cô với cuộc sống và lòng tha thiết yêu văn hoá Việt. Hai lần ra Trường Sa đều để lại những hồi ức đẹp với cô gái Mường, ý tưởng tặng một món quà cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đã thôi thúc cô và ekip tiếp tục “trộn” nhạc trẻ với dân ca Nam trung bộ thông qua ký sự Trường Sa.

“Có lẽ cả đời tôi không thể quên cảm giác biểu diễn trên các đảo trong chuyến đi Trường Sa 10 ngày lênh đênh sóng nước. Hôm ấy sóng lớn, đoàn công tác không thể đến gần và lên Nhà Giàn để bắt tay, hát trực tiếp, gặp gỡ các đồng chí... Chúng tôi chỉ có thể hát qua điện thoại, bộ đàm và đứng nhìn các chiến sĩ từ xa. Giữa mênh sóng nước, với cảm xúc rưng rưng, thiêng liêng và rất đỗi tự hào, tôi đã mang tới những chiến sĩ những ca khúc của mình”, Hà Myo kể.

Hà Myo đã tự tìm tòi, khai phá con đường âm nhạc của mình như thế. Ngay sau thành công của Xẩm Hà Nội, nhiều sản phẩm đã ra đời: Xẩm xuân xanh, Xẩm xuân chúc phúc, Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội, Đập Nàng Khọt, …

Kho tàng âm nhạc dân gian của nước Việt ta giàu đẹp và vô cùng đặc sắc. Tuy vậy, cũng thật buồn khi nhiều loại hình âm nhạc giờ chỉ còn là vàng son, tiếc nuối của thế hệ ông bà. Là ca sĩ trẻ, tự ý thức về trách nhiệm của mình, Hà Myo cho rằng, cần phải “ráo riết” tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn để gìn giữ được những nét đẹp ấy.

Hà Myo quan niệm bảo tồn văn hoá bằng âm nhạc, là cách có hiệu quả nhanh, trên phạm vi rộng. Phải cho âm nhạc dân gian đất sống, nghĩa là nhạc sĩ, ca sĩ phải biết khéo léo, tinh tế mà trộn giữa truyền thống giữa hiện đại. Phả vào nhạc mới những giá trị xưa cũ sao cho giữ được hồn cốt văn hoá mà vẫn mang tinh thần thời đại thì khán giả cũng sẽ “mở lòng”. Lúc ấy, bảo tồn văn hoá sẽ không phải chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng, khán giả sẽ đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống.

Hà đã mất nhiều năm để có thể tìm được cho mình con đường đi đúng đắn, tìm được đam mê của bản thân, tìm được mục đích phấn đấu, đó là mang âm nhạc dân gian đến gần hơn với công chúng. Chắc chắn trong tương lai, Hà sẽ tiếp tục có những sản phẩm sáng tạo với nhiều thể loại âm nhạc truyền thống, có thể là ca trù, chầu văn hay bài chòi...

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hàng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.