Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Vào “thủ phủ” điện gió: Những hệ lụy có thể dự báo (Bài 2)

Thanh Hải – Khánh Ngân - 16:38, 24/04/2021

Những cột trụ gắn cánh quạt khổng lồ quay suốt ngày đêm, giữa bạt ngàn núi rừng trên đỉnh Trường Sơn nhìn rất đỗi thân thiện. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nơi đây cũng không còn lạ lẫm với điều ấy; nhiều người vẫn nghĩ nơi đây vẫn bình yên như chưa hề có thảm họa lũ lụt, sạt lở đất xảy ra hồi cuối năm 2020. Còn chúng tôi lại quả quyết rằng, việc phá rừng ồ ạt để lấy đất cho hàng loạt dự án điện gió ở Hướng Hóa đang là một trong những nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Thi công đường vận hành của một dự án điện gió
Thi công đường vận hành của một dự án điện gió

Rừng bị cạo trọc ngày một nhiều…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định rằng, sẽ không đánh đổi môi trường lấy dự án, lấy kinh tế. Nhưng nhìn vào thực tế, hàng chục dự án điện gió thu hồi đất lâm nghiệp và rừng để thi công dự án khiến nhiều người băn khoăn lo ngại.

Trong cả hai cuộc trò chuyện với đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “rất tiếc” khi có nhiều diện tích rừng nơi đây đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Bùi Văn Duân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hướng Hóa cho biết: Có 11 dự án điện gió đã chuyển đổi mục đích sử dụng, dù rừng được chuyển đổi chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng trồng.

Còn ông Võ Đình Tiến, Trưởng phòng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa nói chắc nịch: Vai trò của rừng là rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất. Diện tích rừng bị giảm là rất tiếc. 

Theo ông Tiến, đã có hơn 70ha đất lâm nghiệp và đất rừng do Ban quản lý đã được chuyển đổi. Cụ thể, có 50,7ha rừng trồng và 19,87ha đất trống được thu hồi, phục vụ 6 dự án điện gió.

Mới chỉ có một số ít dự án điện gió đã thu hồi chừng ấy đất và rừng. Khi tất cả 31 dự án đã được phê duyệt quy hoạch cùng lấy đất, lấy rừng thực hiện dự án (chưa kể 53 dự án đang chờ bổ sung quy hoạch) thì… diện tích rừng bị mất là bao nhiêu. Hệ lụy sẽ như thế nào? Rồi, ở vùng miền Tây Quảng Trị đang có nhiều dự án thủy điện vận hành, khai thác thì sao? 

Chưa kể, hầu hết các trụ điện gió được thi công trên đỉnh dốc cao. Người xưa có câu “nhà dột từ nóc”. Ngẫm ra, rừng ở đỉnh dốc bị phá vỡ thì nguy cơ sạt lở là rất cao.

Không đổ lỗi hết cho một nguyên nhân, lí do nào. Nhưng có một lí do chắc chắn, một nguyên nhân không thể chối cãi, rằng: hệ sinh thái suy giảm, rừng cạn kiệt… cùng với những dự án được đầu tư đã phá vỡ quy hoạch rừng, thay đổi môi sinh, môi trường… đang góp phần làm cho thời tiết trở nên cực đoan hơn.

Cận cảnh một trụ điện gió
Cận cảnh một trụ điện gió

Nhìn từ những vụ sạt lở đất và lũ lụt hồi cuối năm 2020, ai cũng rùng mình. “Rốn lũ” Hướng Việt (Hướng Hóa) trở thành xã “6 không” sau lũ dữ: không đường, không điện, không nước sạch, không trường, không trạm y tế, không trụ sở làm việc. 

Cũng tại Hướng Hóa, vụ sạt lở đất làm 22 người thiệt mạng tại nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng đã là kí ức kinh hoàng, khó quên. Nước từ trên trời xuống, nước đổ từ khe suối ra sông rồi chảy về xuôi, nhấn chìm nhiều làng mạc, ruộng đồng. Mưa lũ cuối năm 2020 đã làm thiệt hại cho Quảng Trị rất nhiều tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho hay: Chúng tôi chỉ quy hoạch vào những diện tích rừng sản xuất, rừng nghèo, đất trống. Ngay dưới những dự án điện gió, vẫn có thể sản xuất bình thường. Hiện tại, địa phương đã tổ chức quy hoạch lại vùng dân cư hợp lí hơn, an toàn hơn; không ở vùng có nguy cơ sạt lở đất.

Nhà đầu tư có “lách luật”?

Ngày 31/10/2021, đang là mốc thời gian “sinh tử” đối với các nhà đầu tư điện gió. Theo quy định, các dự án điện gió không kịp đưa vào vận hành vào trước thời điểm này, thì sẽ không được hưởng hỗ trợ giá điện của nhà nước với mức ưu đãi gần 2.000 đồng/Kwh. Để kịp mốc thời thời gian này, các dự án điện gió dường như đang phải chạy đua… như gió.

Đại diện Ban Quản lý các dự án huyện Hướng Hóa nói: Đây là áp lực rất lớn đối với các nhà đầu tư; đồng thời cũng tạo nên áp lực rất lớn đến các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các thiết bị siêu trường siêu trọng, cùng nhiều vấn đề phát sinh khác.

Giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng đối với địa phương. Hầu hết người dân đều đồng tình di dời, đồng thuận với các dự án điện gió. 

Nhưng, đây là dự án do tư nhân triển khai, theo quy định, việc thu hồi đất phải thỏa thuận với dân. Quá trình thu hồi đất, triển khai dự án trong một thời gian ngắn, với khối lượng công việc lớn, sẽ rất khó để đảm bảo chắc chắn việc không phát sinh khiếu kiện khi đền bù chưa thỏa đáng, sai số liệu…

Hiện trường sạt lở đất ở xã Hướng Việt trong năm 2020
Hiện trường sạt lở đất ở xã Hướng Việt trong năm 2020

Nhiều chuyên gia cũng đã phân tích và không tán thành việc ồ ạt đưa điện gió, điện mặt trời vào Quảng Trị với công suất lớn. Các chuyên gia băn khoăn, tại sao địa phương này cần tới mấy nghìn MW điện gió trong khi nhu cầu điện ở đó không phải là cao, chưa kể hệ thống lưới, trạm biến áp, đường dây... làm sao đáp ứng được? 

Về mặt kĩ thuật, hệ thống điện chưa chịu đựng nổi tỷ lệ điện gió, điện mặt trời lớn như thế. Điều này liên quan đến an ninh lưới điện, an ninh năng lượng, đến một lúc nào đó có thể xảy ra tình trạng mất an toàn về cung cấp điện. Mặt khác, sẽ khó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nếu giá điện bình quân cứ tăng cao do điện mặt trời, điện gió phải mua với giá cao.

Nhìn từ danh mục các dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thì thấy rằng, dường như các nhà đầu tư đang “xé nhỏ dự án” để “lách luật”. Nhiều nhà máy điện gió trùng tên, có chăng chỉ khác số tự nhiên ở cuối mà thôi. Ngay cái tên nhà máy điện gió Hướng Linh, chúng tôi cũng đã bắt gặp đến 8 nhà máy; các nhà máy điện gió Hướng Phùng, Gelex cũng có đến 3 nhà máy cùng tên… 

Bên cạnh đó, với một diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp thu hồi nhất định, sẽ thuộc sự điều chỉnh quy hoạch của cấp tỉnh; không cần phải trình Chính phủ. Về điều này, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giải thích: vì dự án điện gió không làm tập trung, chỗ nào lợi thế thì nhà đầu tư làm... Tuy nhiên, rõ ràng có một thực tế là, cùng với việc nở rộ các dự án điện gió, những cánh rừng nơi đây đang ngày càng bị thu hẹp, để lại những nỗi lo không nhỏ về môi sinh.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.