Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hạnh phúc của người đàn ông đi bằng hai tay

Phạm Việt Thắng - 16:58, 09/04/2021

Ông Tân cười rõ tươi, nói với chúng tôi, tôi phải đi bằng hai tay, nhưng cũng cố gắng không "thua chị kém em" trong mọi công việc. Đoạn, ông chống vững tay phải xuống đất, tay trái đang kẹp cứng một chiếc dép nhựa, giơ lên mà rằng: Không cố gắng làm sao mà nuôi các con nên người được.

Đôi chân bị liệt, ông Tân phải di chuyển bằng 2 tay
Đôi chân bị liệt, ông Tân phải di chuyển bằng 2 tay

Cho cả ngày mai

Con gái lớn đã xây dựng gia đình; cô hai, cô ba cũng đã tốt nghiệp đại học và đã có việc làm ở Thủ đô. Với ông Nguyễn Bá Tân ở xóm Hiệp Lực, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), niềm vui  này không gì sánh được. 

Ở vùng đất cằn cỗi này, với người lành lặn, để chu cấp cho 3 đứa con ăn học còn vô cùng vất vả, với ông Tân có thể khó như dời non lấp bể. Nhưng trong ông chưa bao giờ nhụt chí để con phải thôi học. 

Đã qua rồi cảnh hàng tháng chạy vạy để gửi tiền cho con nên cuộc sống của chúng tôi cũng đã tạm ổn. Tôi khuyên ông ấy nghỉ ngơi, làm lụng ít thôi, nhưng ông ấy có chịu nghe đâu.

Bà TừVợ ông Nguyễn Bá Tân

“Tôi què quặt không được học hành đến nơi đến chốn, tôi muốn con mình phải được bằng người ta. Vì thế mà không khó khăn trở ngại nào ngăn cản được tôi…”, ông Tân nói chắc nịch.

Ngày đứa lớn đậu đại học, ông ngồi xe lăn, vuốt từng vòng bánh xe hơn 10 km đi xuống huyện để làm thủ tục cho con nhập học. Ông nói, nhờ người ta cũng được, nhưng thứ nhất cứ sợ sai sót về hồ sơ; thứ hai, ông muốn tự tay mình làm hồ sơ cho con; như ông đã nói là, nó cứ lâng lâng hạnh phúc.

Để có tiền nuôi con ăn học, ông Tân không từ việc gì, miễn là ông có thể làm được. Từ đan lát, may vá, xay bột và cả làm hương trầm nữa. 

Bà Từ vợ ông, người mang trong mình nhiều căn bệnh, nhìn chồng đầy âu yếm: “Ông nhà tôi không ngồi yên bao giờ, hết việc này là ông lại tìm việc khác. Tội nghiệp ông ấy tàn tật, nhưng lại luôn đỡ hết công việc cho vợ con. May mà trời phú cho ông ấy đôi bàn tay rất khéo léo, làm gì người ta cũng hài lòng. Hồi còn may vá, đường kim mũi chỉ của ông ấy thì không ai chê được tẹo nào”. 

Ông Tân như thêm phần rạng rỡ: “Có rứa thì mới được bà yêu”!. Đôi vợ chồng già nhìn nhau, trìu mến. Một nỗi niềm hạnh phúc, đơn sơ mà thắm nồng đang trào dâng trong họ…

Gia đình ông Tân có thêm thu nhập từ máy xay bột
Gia đình ông Tân có thêm thu nhập từ máy xay bột

Nỗi đớn đau và niềm hạnh phúc

Năm lên 1 tuổi, cậu bé Tân bị một cơn sốt kéo dài. Bố mẹ đã ôm cậu đi khắp các bệnh viện, kể cả ra Hà Nội. Nhưng rồi ông bà cũng phải gạt nước mắt bế con về quê, với di chứng liệt hai chân. Và cách di chuyển duy nhất của cậu là bò. Kể từ đó, đôi tay đồng thời làm thay chức năng của đôi chân. 

Bạn bè cùng trang lứa tung tăng chạy nhảy, còn tôi thì phải bò đi rất khó nhọc. Tủi thân lắm.

Ông Nguyễn Bá Tân

Sau một lát trầm ngâm, ông Tân trở về với "chất" đầy mạnh mẽ vốn có. Ông bảo, không chấp nhận số phận, năm 8 tuổi, ông xin cha mẹ đi học. Trường chỉ cách nhà hơn 1km nên ông tự bò đi học, chỉ trừ những ngày trời mưa mới nhờ cha mẹ cõng. Hết lớp 7, ông không thể theo học lên cấp 3, vì trường quá xa, nên đành chấp nhận nghỉ học. 

"Cùng tuổi, các bạn đang lo ăn lo chơi, tôi đã biết học nghề đan lát để đỡ đần cho cha mẹ. Ngoài các vật dụng như thúng, mủng, dần, sàng… cho nhà dùng, mẹ tôi còn đem đi bán kiếm được ít tiền. Từ kỹ thuật đan lồng mốt, lồng hai đến khó như đan mắt cáo… tôi đều thành thạo từ năm học lớp 1", ông Tân kể.

Nghề đan lát không thể nuôi sống bản thân, thanh niên Nguyễn Bá Tân quyết tâm đi học nghề may. Nhà không có tiền nên anh phải bò đến các nhà may để học mót. Được cái ai cũng thương, cũng khâm phục nghị lực của anh nên bày dạy tỉ mỉ. 

Thương con, cha mẹ Tân xoay xở đủ đường để anh có được một chiếc máy may. Lại khó khăn nữa, chân của Tân không thể dẫm bàn đạp máy may. Đôi tay của anh nhanh chóng chai sạn vì phải xoay bánh xe máy may… Tiếng lành đồn xa, “hiệu” may của anh Tân nhanh chóng đông khách, và anh đã tự nuôi sống bản thân, không phải “ăn bám” cha mẹ nữa. 

"Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, hồi đó làm anh thợ may cũng có giá lắm, thu nhập cũng khá. Vui lắm nhưng buồn cũng lắm. Mình đã đến tuổi lập gia đình, nhưng có ma nào thèm để ý đến cái anh đi bằng hai tay như tôi", ông Tân chia sẻ.

Ông Tân không bao giờ ngơi nghỉ, hết đang lát, may vá, lại thái chuối cho gà…
Ông Tân không bao giờ ngơi nghỉ, hết đan lát, may vá, lại thái chuối cho gà…

Năm 33 tuổi, cái tuổi ở nhà quê là ế chỏng ế chơ, chàng thanh niên Nguyễn Bá Tân đã chinh phục được trái tim cô thôn nữ Lương Thị Từ. Ông Tân tâm sự: Tôi thích bà ấy từ lâu, cứ trông bà ấy đi qua nhà để nhìn. 

Nhưng cũng chỉ nhìn từ xa vậy thôi, có dám nói chi mô. Lỡ người ta không ưng, “nổ” cho mấy câu thì ê mặt lắm. Ngại chết đi được. Thật không ngờ cho ông Tân, bà đã đồng ý lấy ông làm chồng, cho dù gia đình, họ hàng hết sức can ngăn. Rồi cả những lời đàm tiếu ác miệng của thiên hạ nữa, “ai lại đi lấy anh què”… Ngay cả ngày cưới cũng có người dèm pha: “chú rể mặc quần đùi, đi bằng bốn chân”… 

“Tôi gạt ra ngoài tai. Tôi cảm phục ông ấy vì nghị lực sống, luôn luôn vươn lên, không nề hà gian khó nên tôi đồng ý lấy ông. Và, chính vì thế mà vợ chồng tôi càng yêu thương nhau hơn, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”, bà Từ xúc động nói.

Tình yêu của ông bà đã kết trái sau một năm kết hôn, năm Nhâm Thân – 1992, cô con gái đầu lòng ra đời. Hạnh phúc ngập tràn. Bà Từ cười hiền hậu: Tin “chú rể quần đùi” đã có con nhanh chóng lan đi khắp vùng. Hồi đó người ta coi như là chuyện động trời vậy”. Rồi cô thứ hai, thứ ba lần lượt đến với ông bà.

Nghề may bắt đầu thoái trào. Những chuyến hàng may mặc sẵn, giá rẻ đã áp đảo tiếng xè xè của những chiếc máy may ở làng. Cuộc sống của ông bà lại rơi vào khó khăn. Trong cái khó ló cái khôn. Điện lưới đã về, ông lập tức sắm máy xay bột phục vụ bà con, cộng thêm cả nghề nấu rượu, nuôi lợn nên đỡ được phần nào. Ba cô con gái của ông bà càng lớn càng xinh, học hành giỏi giang. Đó là động lực để ông bà, nhất là ông Tân làm việc không ngơi nghỉ. 

Ông nói: “Tôi không có gì ngoài tình yêu dành cho các con. Với các con, vì các con, khổ sở đến mấy, vất vả đến mấy tôi cũng vượt qua. Vì đó là hạnh phúc”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.