Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Hành trình của một người tử tế

Tiêu Dao - 11:32, 09/03/2021

Từ khi nghỉ việc Nhà nước về với đời thường, ông mang những điều tử tế đến khắp mọi miền của Tổ quốc bằng chiếc xe cứu thương của mình. Và ông cũng nhân lên rất nhiều điều tử tế để những người khác cùng làm. Ông là Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Phút ngấu hứng của ông Đoàn Ngọc Hải trong một chuyến đi từ thiện ở Hà Giang
Phút ngấu hứng của ông Đoàn Ngọc Hải trong một chuyến đi từ thiện ở Hà Giang

Hành trình tử tế

Nói đến ông, có lẽ nhiều người không còn lạ lẫm. Và có lẽ  rất nhiều người ngày ngày vẫn lặng lẽ theo dõi hành trình của ông cùng chiếc xe cứu thương mà ông vẫn hay nói vui gọi là con ngựa sắt của mình.

Từ ngày còn làm cán bộ, với “chiến dịch” lấy lại vỉa hè ở Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), nhiều người đã chú ý đến ông Đoàn Ngọc Hải. Ông nổi tiếng vì đã xung phong liên tục xuống đường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè trên địa bàn Quận 1. Sau này, chiến dịch đã lan tỏa ra các thành phố lớn khác tại Việt Nam. Nhưng rồi, ông thừa nhận chiến dịch giành lại vỉa hè thất bại, ông đệ đơn từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1 vì đã "không thực hiện được lời hứa trước Nhân dân". Sau đó, ông được điều chuyển đi làm các công việc khác nhưng ông không nhận và xin về hưu.

Rồi từ tháng 1/2018, quay trở về với công việc kinh doanh mà bố mẹ ruột ông để lại, ông Hải nói "còn nợ" người dân trên địa bàn Quận 1 một số lời hứa công vụ. Vì không có cơ hội thực hiện lời hứa đó nên ông cố gắng thực hiện bằng một phương cách khác. Tháng 8 năm 2020, ông đã bỏ hơn 700 triệu đồng tiền cá nhân để mua một chiếc xe, đăng ký trở thành Xe cứu thương. Đích thân ông lái xe và những chuyến hành trình của ông cũng bắt đầu từ đấy.

Trên những chuyến xe của ông, chuyến nào cũng có sữa đặc, có chuyến chở thêm chăn ấm, áo quần, sách vở, bút viết, bánh kẹo… tặng cho các em học sinh còn khó khăn. Hàng ngàn hộp sữa đã được đưa đến tận tay những em nhỏ các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Gia Rai, Mông, Ê Đê... ở khắp mọi miền của Tổ quốc.

Đồng bào Dao Đỏ ở Tà Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) gửi những thùng sữa nhờ ông Đoàn Ngọc Hải mang đến cho trẻ em nghèo
Đồng bào Dao Đỏ ở Tà Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) gửi những thùng sữa nhờ ông Đoàn Ngọc Hải mang đến cho trẻ em

Nhiều người đón chờ hành trình của ông chỉ để bắt tay ông, động viên ông. Cũng có nhiều người gửi những hộp sữa nhỏ hay cả thùng sữa lên xe của ông cùng lời nhắn nhờ ông mang đến cho trẻ em nghèo. Hành trình mang sữa không chỉ của ông mà còn của rất nhiều người khác, những người có tấm lòng, có chung một niềm tin vào sự tử tế. Và họ cùng ông trao gửi những điều tử tế ấy, như loài hoa bồ công anh tỏa đi trong gió những cánh trắng mỏng manh, để rồi từ đó lại nhân lên rất nhiều điều tử tế khác ở muôn nơi.

Những ngày trước Tết Nguyên đán, ngôi nhà 4 tầng dành cho những người phụ nữ vô gia cư mà ông xây dựng ở Quận 12 được khánh thành. Ngôi nhà này được xây từ tiền ông bán đấu giá đồ vật của ông và được một đại gia mua lại. Có được ngôi nhà này, ông đã thực hiện được lời hứa của mình khi đón được những phụ nữ vô gia cư, bệnh tật về ở miễn phí.

Cho đến bây giờ, ông Hải vẫn nhất quán không nhận tiền ủng hộ mà chỉ nhận hiện vật để mang tới những người cần. Ông thẳng thắn nói rõ lý do rằng, ông là người bình thường, đang cố gắng làm điều tử tế. Nếu tay ông trực tiếp cầm tiền, có điều gì không hay thì ông sẽ mang tiếng. Nhưng nhân chuyến đi từ thiện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây (ngày 22-23/2), ông đã được một chủ quán cơm từ thiện gửi 60 triệu đồng để xây nhà cho trẻ em vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang). Cảm kích về tấm lòng của người chủ quán cơm, nhưng ông lại không muốn nhận tiền không công như vậy. Đổi lại, ông tự nhận việc phục vụ quán cơm trong vòng 30 phút để nhận 60 triệu đồng tiền ủng hộ. Ông bảo, như thế sẽ “đẹp lòng” cả hai, cả người cho và người nhận. Trong 2 ngày ở cố đô Huế, ông đã quyên góp được 173,800.000 đồng để xây nhà tình thương cho người dân 2 huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Mèo Vạc (Hà Giang).

Ông Đoàn Ngọc Hải phục vụ ở quán cơm từ thiện ở Huế hôm 23/2/2021 để nhận 60 triệu đồng xây nhà cho trẻ em vùng núi Hà Giang.
Ông Đoàn Ngọc Hải phục vụ ở quán cơm từ thiện ở Huế hôm 23/2/2021 để nhận 60 triệu đồng xây nhà cho trẻ em vùng núi Hà Giang.

Những dặm dài không mỏi

Kể từ ngày 28/8/2020, ông một mình lái xe cứu thương chở sữa đặc, quần áo, dép tổ ong… cho các cháu bé và bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trên đường đi, ông còn kết hợp chở người đi cấp cứu, chở bệnh nhân nghèo. Khi trò chuyện qua điện thoại với phóng viên, ông “tổng kết” hóm hỉnh rằng, sau 1 năm rong ruổi trên hành trình làm những điều tử tế, ông đã phá vỡ “kỷ lục của bản thân ở tuổi 52” khi liên tục tham gia các giải marathon, lái 14 chuyến lái xe cứu thương xuyên Việt, chở đi tặng 20.000 hộp sữa đặc, 2.000 hộp sữa tươi, hàng trăm kg bánh kẹo và áo quần, 12 chiếc xe đạp cho trẻ em khó khăn, 16 chuyến chở bệnh nhân, 2 chuyến chở cấp cứu tai nạn giao thông ở Ninh Thuận và ở Hà Nội (cấp cứu 4 người ), 2 chuyến chở hài cốt liệt sĩ từ Nam ra Bắc, 1 chuyến chở bệnh nhân nữ qua đời trên xe…

Hành trình của ông khiến nhiều người lái xe cũng phải chóng mặt, khi hôm trước thấy ông về miền Tây, vài ngày sau đã thấy ông lên Tây Nguyên, rồi ít hôm nữa lại thấy ông ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hay đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Có lúc mới thấy ông ở miền Nam, sau đó lại thấy ông ra tận miền biên viễn cực bắc Tổ quốc… Từ khi nhận chiếc xe cứu thương đến nay, ông đã “trả” cho mình cuộc hành trình gần 40.000km xuôi ngược và dọc ngang khắp mọi miền đất nước.

Hơn 1 năm qua, ông Hải đã lái chiếc xe này rong ruổi khắp mọi miền của Tổ quốc để làm những công việc thiện nguyện
Hơn 1 năm qua, ông Hải đã lái chiếc xe này rong ruổi khắp mọi miền của Tổ quốc để làm những công việc thiện nguyện cao cả.

Trên những hành trình của ông, khi bắt gặp những tình cảnh trái ngang trên đường, hay những điều còn chưa đẹp mà chính quyền địa phương chưa quan tâm, ông đã gửi những tâm thư của mình lên mạng xã hội. Từ sự lan truyền của mạng xã hội mà đã có nhiều chính quyền địa phương quan tâm, khắc phục ngay những vấn đề ông nêu ra. Chẳng hạn như việc gửi tâm thư cho chính quyền địa phương về “những hố tử thần" xuất hiện trên đường thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngay sau khi nhận được phản ánh, chính quyền thị xã Kỳ Anh đã yêu cầu lực lượng chức năng rà soát lại và khẩn trương khắc phục ngay những “hố tử thần” nguy hiểm trên đường đi. Hay trên hành trình đi qua huyện Đồng Phú (Bình Phước), ông đã thấy những bãi rác lớn đổ tràn ra QL14 nối TP. Hồ Chí Minh lên các tỉnh Tây Nguyên, ông viết tâm thư của mình gửi lên mạng xã hội ngỏ ý với chính quyền địa phương xử lý tình trạng rác thải này. Và chỉ trong sáng hôm sau, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và xử lý rất nhanh gọn. Sau những việc như thế, ông đều gửi lời cảm ơn sâu sắc tới chính quyền địa phương với tư cách là một công dân bình thường.

Trên những cung đường xuôi ngược Nam - Bắc, da mặt ông đã sạm đen đi vì nắng gió bụi đường, ông gầy hơn khi còn làm cán bộ, nhưng khuôn mặt ông luôn nở nụ cười đôn hậu, gần gũi, nhẹ nhàng, đầy tình thương mến. Những bộ quần áo ông mặc khi  là trang phục của đồng bào Tây Nguyên, khi là áo nâu của người Tày - Nùng, lúc thì chiếc áo trắng quen thuộc đã nhuốm màu bụi đỏ. Tất cả đều toát lên vẻ gần gũi đến chân chất của ông.

Và những đôi dép tổ ong mà ông bảo là “đôi dép huyền thoại” gắn với ông từ những ngày đầu hành trình. Có những đôi dép ông đi đã mòn vẹt cả gót, gãy cả mũi dép nhưng ông vẫn đi. Những đôi dép tổ ong hư hỏng, ông đều giữ lại, mang về nhà cất vào một góc như để giữ lại những minh chứng cho chặng đường thật dài ông bắt đầu đi.

Ông Đoàn Ngọc Hải chụp hình lưu niệm với những đứa trẻ người DTTS ở Yên Minh (Hà Giang)
Ông Đoàn Ngọc Hải tặng sữa và chụp hình lưu niệm với những đứa trẻ người DTTS ở Yên Minh (Hà Giang)

Điều ông muốn làm bây giờ chỉ là mang thêm nhiều niềm vui đến với mọi người, nhất là với trẻ em vùng cao. Và ông có một mục tiêu cần hoàn thành, đó là cố gắng chở 1 triệu hộp sữa đặc đến cho các cháu bé nghèo. Trên chiếc xe của ông với những dòng chữ “Đừng cho tôi tiền, hãy gửi cho tôi một vài lon sữa đặc, tôi sẽ giúp các bạn đưa đến tận tay các cháu bé ở vùng sâu vùng xa”, cộng với sự cộng hưởng từ cộng đồng, có lẽ mục tiêu 1 triệu hộp sữa đặc đến cho các cháu bé nghèo của ông sẽ sớm hoàn thành.

Nhiều người có lẽ ít biết, ông từng được nhận Huân chương Lao Động hạng Ba năm 2014 khi còn đương chức. Nhưng với ông, danh hiệu đó cũng chưa khiến ông thoải mái bằng những chuyến hành trình chở đầy tin yêu đến với mọi người như thế này. Vâng, ông là Đoàn Ngọc Hải, viên ngọc lặng lẽ dưới biển, lặng lẽ làm những điều tử tế, để cho đời ấm thêm, cho người vững thêm niềm tin vào cuộc sống. Mùa Xuân này, ông Đoàn Ngọc Hải bước sang tuổi 52. Nhiều người chỉ biết chúc ông vạn dặm hành trình chân cứng đá mềm, để mang đến nhiều thêm nữa những niềm vui và ý nghĩa cho đời.

Tin cùng chuyên mục
Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng nhiều đoàn viên, thanh niên là người DTTS trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã phát huy sức trẻ, áp dụng tiến bộ KHKT tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.