Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Hết mình vì dân tộc và quê hương

Thành Nam - 16:21, 29/04/2022

Những già làng, trưởng bản, Người có uy tín từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi đất nước hoà bình, họ trở về quê hương xây dựng cuộc sống và không ngừng đóng góp cho cộng đồng, dân tộc.

Ông Lục Văn Sáu chăm sóc vườn cây của gia đình
Ông Lục Văn Sáu chăm sóc vườn cây của gia đình

Ông Lục Văn Sáu - Người có uy tín từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công

Ông Lục Văn Sáu, dân tộc Nùng tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là cựu chiến binh (CCB) tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1967, theo tiếng gọi non sông, ông đã lên đường nhập ngũ cùng đoàn quân Nam tiến, được biên chế tại Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị của ông chiến đấu trên nhiều chiến trường, từ Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ, khu vực Sài Gòn - Gia Định, chiến trường Campuchia, miền Tây Nam bộ. Ông Sáu và đơn vị đã tham gia cuộc tiến công vào Sài Gòn năm 1968 và trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Lục Văn Sáu và đơn vị tham gia giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Ông đã gắn bó với đất nước Chùa Tháp đến khi ra quân. Năm 1988, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công.

Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, sau khi ra quân, ông Sáu trở về địa phương công tác và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND xã Lan Giới.  

Năm 2004, ông Lục Văn Sáu nghỉ hưu và được nhân dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín tại địa phương. Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới. Vận động nhân dân hiến trên 2.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, qua đó thu nhập bình quân đầu người trên 2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ trên 10% xuống dưới 8% vào năm 2020, đưa xã hoàn thành các mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2020.

Với những đóng góp của mình, ông Lục Văn Sáu đã được lựa chọn là đại biểu trong Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Bắc Giang đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gặp mặt báo công với Chủ tịch nước năm 2021.

Cựu chiến binh Thèn Khấy Chỉ - Hiến đất xây trường học, làm hội trường thôn

Cựu chiến binh Thèn Khấy Chỉ và điểm Trường Mầm non thôn Pạc Tiến đang được xây dựng trên mảnh đất do gia đình tự nguyện hiến.
Cựu chiến binh Thèn Khấy Chỉ và điểm Trường Mầm non thôn Pạc Tiến đang được xây dựng trên mảnh đất do gia đình tự nguyện hiến.

Cựu chiến binh Thèn Khấy Chỉ (72 tuổi), dân tộc Nùng ở thôn Pạc Tiến, xã Thu Tà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ông từng là bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam vào những năm từ 1975 trở về trước. Ông đã được Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và hạng Ba.

Xuất ngũ trở về quê hương, những vết thương trên cơ thể vẫn còn đau âm ỉ vào những ngày trái gió trở trời. Cuộc sống gia đình CCB Thèn Khấy Chỉ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, gia đình ông có 3 thế hệ cùng chung sống với 7 khẩu và 4 lao động chính. Điều kiện kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi.

Tuy nhiên, ông Thèn Khấy Chỉ luôn gương mẫu trong công việc, cuộc sống cũng như các hoạt động xã hội của thôn, xã. Trước đây, Trường mầm non thôn Pạc Tiến được dựng tạm ở một số địa điểm trong thôn, nhưng địa hình dốc, không thuận tiện cho phụ huynh đưa con đến lớp. Thấy vậy, gia đình ông Chỉ đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất vườn để địa phương xây dựng điểm trường mầm non. Ông cũng hiến đất để xây dựng điểm trường Tiểu học và làm Hội trường thôn. Tính đến nay, gia đình ông đã hiến tổng cộng hơn 3.500 m2 đất vườn nhà để xây dựng các công trình phúc lợi.

 Việc gia đình ông tự nguyện hiến đất vườn để làm điểm trường cho các cháu học sinh là một nghĩa cử đẹp, tạo sự lan tỏa ra cộng đồng thôn bản.

Già Ksor H’Lâm - Nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên

Già Ksor H’Lâm - Nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên
Già Ksor H’Lâm - Nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên

Già Ksor H’Lâm (SN 1945, làng Krong, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) là một nữ chiến sĩ gan dạ. Trong những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, bà Ksor H’Lâm đã viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong.

Từ cô gái thanh niên xung phong thông minh, gan dạ, bà trở thành giao liên vận chuyển vũ khí, thuốc men cho bộ đội. Sau 5 năm hoạt động (1962-1966), bà được cử ra miền Bắc học tập. Chiến tranh kết thúc, bà về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Năm 1987, bà về hưu với quân hàm Thượng úy.

Trở về làng Krong với vai trò già làng, bà đã giúp đồng bào mình phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Già Ksor H’Lâm hướng dẫn đồng bào mình chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng những cây ngắn ngày như bắp, mì… phù hợp với khí hậu nắng nóng vùng biên giới. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân nơi đây từng bước thay đổi, trẻ em được học chữ. 

Hàng ngày, già H’Lâm cùng bộ đội biên phòng đi cả chục cây số đường rừng để tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền. Già H’Lâm luôn nhắn nhủ, dặn dò người dân không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán các chất trái phép. Trong công tác dân vận, già tuyên truyền chị em DTTS thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, đưa người chết ra nghĩa địa, bỏ tập tục chôn chung... Nhờ đó, cuộc sống của dân làng Krong ngày càng phát triển, tiến bộ. 

Ghi nhận sự đóng góp của già Ksor H’Lâm trong công tác xã hội từ năm 1998 đến nay, chính quyền, đoàn thể địa phương đã trao tặng già nhiều bằng khen như: Bằng khen “Già làng tiêu biểu” của UBND tỉnh; Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen “Vì thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội”; UBND huyện Chư Prông tặng Giấy khen “Có thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh trật tự”... 

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.