Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Hiệu quả từ chính sách phát triển dân tộc Brâu ở làng Đắk Mế : Đồng bào Brâu tiếp tục được đầu tư phát triển toàn diện (Bài cuối)

Lê Hường (thực hiện) - 05:12, 30/11/2023

Hiện nay cuộc sống của người Brâu ở thôn Đắk Mế đã có nhiều khởi sắc cả về diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế, y tế, giáo dục và văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tế, dân tộc Brâu vẫn còn nhiều khó khăn, để phát triển toàn diện dân tộc Brâu, còn nhiều điều trăn trở mà đồng bào, các cấp chính quyền địa phương phải từng bước tháo gỡ. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc Kon Tum về vấn đề này.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển nhiều vấn đề xung quanh việc thay đổi, phát triển dân tộc Brâu
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển nhiều vấn đề xung quanh việc thúc đẩy dân tộc Brâu phát triển

Ông có thể thông tin khái quát về những chính sách đầu tư hỗ trợ để dân tộc Brâu phát triển mà ngành công tác dân tộc tỉnh Kon Tum đã triển khai ?

 Cộng đồng dân tộc Brâu có 173 hộ/558 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,8% dân số toàn xã sinh sống tập trung tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu đến năm 2025, với tổng nhu cầu vốn gần 68,4 tỷ đồng.

Giai đoạn 2018-2020, Trung ương đã bố trí gần 19 tỷ đồng để sửa chữa 1 nhà rông và 2 nhà ở truyền thống, 1 đường đi khu sản xuất tập trung thôn Đăk Mế. Đồng thời, hỗ trợ 167 con bò cái sinh sản, chuồng trại chăn nuôi cho 167 hộ; hỗ trợ 36.942 cây giống cà phê, 2.916 cây ăn quả, 18.155,5kg phân bón vật tư, 231,07 kg thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và kỹ năng quản lý hộ; tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và tổ chức Đoàn thăm quan, học tập Mô hình sản xuất ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc còn phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn, hỗ trợ 2 bộ chiêng Tha, 2 bộ chiêng Goang và trang thiết bị nhà rông cho dân tộc Brâu.

Nhà sàn truyền thống là nơi sinh hoạt văn hóa, diễn ra các lễ hội quan trọng của người Brâu
Nhà sàn truyền thống là nơi sinh hoạt văn hóa, diễn ra các lễ hội quan trọng của người Brâu

 Việc triển khai các chính sách dân tộc đang có những tác động thế nào đến đời sống và sự phát triển toàn diện của dân tộc Brâu?

 Việc triển khai thực hiện các chính sách đặc thù, cụ thể như Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người đã thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cộng đồng dân tộc Brâu. 100% hộ dân được hỗ trợ cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vay vốn để phát triển kinh tế, năng suất cây trồng vật nuôi, từng bước giảm nghèo bền vững.

Mặt khác, chính sách đáp ứng nguyện vọng giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Brâu. Đặc biệt, tác động đến đối tượng thanh thiếu niên hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa...

 Đời sống của cộng đồng người Brâu ở thôn Đắk Mế đã có nhiều khởi sắc, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ông có thể chia sẻ những điều còn trăn trở đối với việc phát triển dân tộc Brâu trong giai đoạn hiện nay?

 Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc Brâu, tình hình kinh tế - xã hội đã phát triển rõ rệt. Người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống mới vào sản xuất, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, từ đó góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tăng thêm thu nhập. Đến nay, dân tộc Brâu chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 6,9% và 10 hộ cận nghèo chiếm 5,75% so với số hộ nghèo toàn xã.

Tuy nhiên, trên thực tế đồng bào dân tộc Brâu hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 24,6 triệu đồng/người/năm bằng một nửa so với bình quân chung toàn 47,1 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trình độ học vấn của dân tộc Brâu chưa cao, tiêu chí về tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông còn tới 37,6%.

Bên cạnh đó, mặc dù dân tộc Brâu là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù của cả nước, song dân tộc Brâu hiện nay đang sinh sống ổn định thành cộng đồng tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y thuộc Khu vực I và xã biên giới, không thuộc địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ.  Vì vậy, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo Quyết định 1719/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế không thuộc phạm vi thụ hưởng diện hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng Tiểu dự án 1, Dự án 9.  

Thực trạng này, đang đặt dân tộc Brâu đứng trước nhiều nguy cơ, là rào cản cho sự hoà nhập và phát triển của người dân, cũng là thách thức trong hoạch định chính sách phát triển cho nhóm dân tộc này.

Đồng bào dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế còn giữ gìn nhiều giá trị văn hóa đặc trưng
Đồng bào dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế còn giữ gìn nhiều giá trị văn hóa đặc trưng

 Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu của tỉnh Kon Tum về công tác dân tộc, theo ông để phát triển toàn diện dân tộc Brâu, chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề gì?

Để khắc phục các khó khăn, hạn chế, giúp dân tộc Brâu tiếp tục phát triển, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách bền vững, nâng cao vị thế, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng, tỉnh Kon Tum đã đề xuất kiến nghị Trung ương về xem xét về phạm vi thực hiện tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như đề cập: “Các hộ dân tộc thiểu số thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được thụ hưởng chính sách của Tiểu dự án này, thì không được thụ hưởng chính sách tại các Dự án khác của Chương trình”. 

Đề nghị điều chỉnh về đối tượng như sau: “Các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2025-2025”. 

Vì đây là những hộ dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 1.000 người) có điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp so với các dân tộc khác trong vùng. Mức thu nhập bình quân đầu người thấp, không đủ điều kiện kinh tế tự đóng bảo hiểm y tế, không có chi phí cho các con theo học ở các trường bán trú Tiểu học, trung học cơ sở... tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.