Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Hiệu quả từ chính sách phát triển dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế: Hành trình "trở lại" của đồng bào Brâu (Bài 1)

Lê Hường - 06:00, 26/11/2023

Dân tộc Brâu là một trong những dân tộc rất ít người sinh sống tập trung tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Từng đứng trước nguy cơ về sự tồn tại, dân tộc Brâu đã hồi sinh và từng ngày phát triển nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực và ý chí vươn lên của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc Brâu. Để tiếp tục thúc đẩy các dân tộc rất ít người và dân tộc có khó khăn đặc thù phát triển, trong đó có dân tộc Brâu, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã xây dựng riêng Dự án 9, với nguồn lực lớn đầu tư toàn diện cho nhóm dân tộc này.

Học sinh Brâu thôn Đắk Mế được học trong ngôi trường kiên cố
Học sinh Brâu thôn Đắk Mế được học trong ngôi trường kiên cố

Ngăn chặn nguy cơ

Cách thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi chừng 15km, làng Đăk Mế tọa lạc nơi ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, chỉ cách cửa khẩu Bờ Y khoảng chục cây số. Ngôi nhà rông truyền thống của dân tộc Brâu nằm ngay đầu làng Đắk Mế, bên ngoài là trường học, hàng quán và nhà ở của bà con dân tộc Brâu, xây dựng quay đầu chính hướng về phía ngôi nhà rông linh thiêng thể hiện sự quy tụ, đoàn kết sức mạnh cộng đồng.

Dân tộc Brâu thuộc nhóm 16 dân tộc rất ít người của Việt Nam, là 1 trong 14 dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù được thụ hưởng chính sách đầu tư từ Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Trước đây, người Brâu Việt Nam cùng chung sống bên cạnh một con suối tên Đăk Mế, nơi được xem là nguồn cội, tổ tiên. Chiến tranh đã làm ngôi làng cũ bị cháy, dân làng cũng lạc mất nhau, nhóm xuôi về chân núi Bờ Y, người ngược lên miền thượng Lào hay qua Campuchia sinh sống. Khi đất nước giải phóng, người Brâu chỉ còn khoảng 150 hộ tiếp tục bám làng ở lại vùng biên giới sống trong rừng sâu.

 Đến năm 1976, Nhà nước triển khai cuộc di dân đưa dân tộc Brâu ra bên ngoài, nơi khu vực biên giới thuộc 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia sinh sống lập làng Đăk Mế để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, người Brâu vẫn giữ tập tục cũ du canh du cư nên những năm 90 của thế kỷ trước, người Brâu ở làng Đăk Mế chỉ còn 40 hộ, ngót 100 nhân khẩu. Trải qua nhiều biến cố, ngày nay, người Brâu đã có cuộc sống ổn định, dân số ngày càng tăng lên.

Các hoạt động văn hóa của người Brâu được tổ chức tại nhà rông
Các hoạt động văn hóa của người Brâu được tổ chức tại nhà rông

Già làng Y Pan, người nắm rõ từng thăng trầm trong lịch sử dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế trải lòng: Nghỉ hưu trở về làng Đắk Mế sau nhiều năm công tác, tôi vô cùng lo lắng trước thực trạng của dân tộc Brâu lúc bấy giờ. Cả làng chỉ còn khoảng trăm người sống trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, hôn nhân cận huyết. Tôi đi từng nhà tuyên truyền, gặp từng người khuyên nhủ bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, đoàn kết hòa hợp với các dân tộc để phát triển và giữ gìn giá trị truyền thống.

Từ chỗ tưởng chừng không còn ở Việt Nam, đến nay dân tộc Brâu đã tăng lên 174 hộ với 546 khẩu, sinh sống ổn định thành cộng đồng tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Từng ngày khởi sắc

Chạy dọc theo tuyến đường nhựa trải dài vào thôn Đăk Mế, chúng tôi đã cảm nhận được sức sống mới của cộng đồng người Brâu nơi ngã ba biên. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Nguyễn Chí Tường phấn khởi nói: Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho dân tộc Brâu trong những năm qua, dân tộc Brâu phát triển cả về số lượng nhân khẩu và đời sống. Đời sống của đồng bào Brâu đã đổi thay về mọi mặt, kinh tế phát triển, giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, con em được học hành.

Cơ sở hạ tầng ngày càng khang 100% hộ đã có điện thắp sáng, có nước sinh hoạt. Trạm y tế luôn có bác sĩ, y tá phục vụ bệnh nhân. Trẻ em ríu rít theo chân nhau đến trường. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà Rông mới đã được dựng lên, mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Brâu. Ngoài ra, người Brâu còn được hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hỗ trợ xây nhà, nhà vệ sinh, được học lớp xóa mù chữ, tham gia lớp dệt thổ cẩm,…

Phụ nữ Đắk Mế lấy bông đót, phơi bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập
Phụ nữ người Brâu ở Đắk Mế lấy bông đót, phơi bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập

Ông Thao Lợi, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đắk Mế chia sẻ: Nếu như trước đây, người Brâu chỉ biết trông chờ vào thời tiết mà làm lúa, mì, thì nay cách nghĩ của cộng động dân tộc Brâu đã thay đổi. 

Các hủ tục đã dần bị xóa bỏ. Người dân đã biết đến bệnh viện lúc ốm đau, cho con cái đi học cái chữ. Bà con tham gia những lớp tập huấn để học hỏi khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, biết làm ruộng lúa nước 2 vụ. Biết trồng các loại cây công nghiệp như cao su, bời lời, cà phê, chăn nuôi gia súc gia cầm; nhiều hộ còn ứng dụng KH-KT vào trồng trọt, chăn nuôi để đạt hiệu quả cao. 

Nhờ đó, cuộc sống của người Brâu ổn định, kinh tế của người dân ngày càng phát triển, an ninh trật tự cơ sở được giữ vững. Nhiều năm sinh sống ở thôn Đăk Mế, người Brâu vẫn luôn giữ được các tập tục của dân tộc mình như những nét đẹp, độc đáo về trang phục.

 Trong đời sống văn hóa, người dân vẫn giữ được cồng chiêng. Thành lập được đội chiêng, múa xoang phục vụ các lễ hội chính. Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng nhà rông truyền thống, đáp ứng cho đồng bào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức các nghi lễ tâm linh... "Người Brâu rất biết ơn sự Đảng và Nhà nước, nhờ sự quan tâm đặc biệt đó mà người Brâu đã bước ra được cái đói, cái nghèo, sống một cuộc sống no ấm”, ông Thao Lợi bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.